Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh các dữ liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc, việc các nhà lãnh đạo toàn cầu tập trung tại Davos, Thụy Sĩ để tham dự hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sẽ thu hút sự chú ý của thị trường trong tuần này.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ được công bố vào thứ Tư (17/1) sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm ra những dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng - động lực chính cho tăng trưởng kinh tế - vẫn tiếp tục phục hồi khi lãi suất tăng cao.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất vào năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Nhưng với tốc độ tăng giá chậm lại, tốc độ cắt giảm lãi suất tiềm năng trong năm nay và liệu nền kinh tế có tránh được suy thoái hay không là những câu hỏi chính mà thị trường đang quan tâm.

Doanh số bán lẻ của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng 0,4% trong tháng 12, sau khi tăng 0,3% trong tháng 11.

Các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội được nghe ý kiến từ một số quan chức Fed, bao gồm Thống đốc Fed Christoper Waller cũng như Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic và người đứng đầu Fed San Francisco Mary Daly.

Báo cáo KQKD của các ngân hàng Mỹ

Một loạt các ngân hàng lớn của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục công bố KQKD quý IV và cả năm 2023 trong tuần này. Các ngân hàng lớn của Mỹ báo cáo lợi nhuận thấp hơn trong quý IV đầy biến động do các khoản phí đặc biệt và cắt giảm việc làm, cùng với những dấu hiệu thu nhập tăng nhờ lãi suất cao đang suy yếu và một số khoản vay tiêu dùng bắt đầu trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ như JPMorgan, Wells Fargo, Bank of America và Citigroup vẫn lạc quan về nền kinh tế ngay cả khi tình trạng vỡ nợ đối với các khoản vay tiêu dùng bắt đầu quay trở lại mức trước đại dịch.

Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất Mỹ và là đầu tàu của nền kinh tế - cho biết người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục chi tiêu và thị trường đang kỳ vọng một đợt hạ cánh nhẹ nhàng, nhưng cảnh báo chi tiêu của chính phủ có thể tiếp tục đẩy lạm phát lên cao.

Hội nghị thường niên của WEF

Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 54 với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin” sẽ diễn ra vào thứ Hai (15/1) tại Davos, Thụy Sĩ.

Các chính trị gia, thống đốc ngân hàng trung ương và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu đầy thách thức, với những lo ngại về thương mại và mức nợ gia tăng đều nằm trong chương trình nghị sự.

Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều sẽ có bài phát biểu đặc biệt.

Dữ liệu tăng trưởng GDP

Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP năm 2023 vào thứ Tư (17/1), điều này sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tiến gần đến mức nào trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023.

Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, người tiêu dùng thận trọng và những thách thức địa chính trị cũng đang báo hiệu một năm gập ghềnh nữa đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Đức sẽ công bố dữ liệu GDP năm 2023 vào thứ Hai (15/1), dữ liệu này có thể cho thấy nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone đã phải chịu một cuộc suy thoái nông vào năm 2023.

Anh sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 12 vào thứ Tư (17/1), trong đó lạm phát cơ bản dự kiến sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Anh (BoE).

BoE cho biết họ có kế hoạch duy trì lãi suất ở mức cao "trong thời gian dài" để đảm bảo lạm phát gia tăng không gây ra các vấn đề dài hạn cho nền kinh tế, nhưng các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên ngay sau tháng 5.

Giá dầu

Giá dầu có thể sẽ tiếp tục biến động trong tuần này sau khi tăng 1% vào thứ Sáu (12/1) do ngày càng nhiều tàu chở dầu chuyển hướng khỏi Biển Đỏ sau các cuộc phản ứng quân sự của Mỹ và Anh nhằm vào Houthi ở Yemen sau các cuộc tấn công vào tàu chở dầu.

Trong tuần qua, giá dầu Brent đã giảm 0,5% và dầu WTI giảm 1,1%. Việc giảm giá bán dầu của nhà xuất khẩu hàng đầu Ả Rập Xê Út và sự gia tăng bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguồn cung là nguyên nhân khiến giá dầu sụt giảm.

Mặc dù việc định tuyến các tàu khỏi Biển Đỏ…đã tạo ra các vấn đề vận chuyển đối với một số nguồn cung dầu thô, nhưng tác động đến thị trường dầu mỏ vật chất cho đến nay là rất nhỏ", Matt Stephani, chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Cavanal Hill Investment Management cho biết.

“Nếu xung đột lan sang phía bên kia của bán đảo Ả Rập... thị trường dầu mỏ có thể phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều”, ông cho biết thêm.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục