Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương lớn sẽ có những quyết định cuối cùng của năm trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang theo chiều hướng giảm dần.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Đáng chú ý nhất sẽ là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Tư (13/12), tiếp theo là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào thứ Năm (14/12).

Sự suy yếu đồng bộ của dữ liệu lạm phát và một số bằng chứng về nền kinh tế đang yếu đi đã thúc đẩy các nhà đầu tư tăng cường kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Quan điểm đó có thể xung đột với quan điểm của Fed đã đưa ra hơn ba tháng trước, về việc duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Cuộc họp của Fed

Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao nhất trong hai thập kỷ trong cuộc họp diễn ra vào ngày 12/12 và 13/12, khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá tác động chậm trễ của loạt đợt tăng lãi suất mạnh mẽ kể từ đầu năm 2022.

Ngoài ra, chỉ số CPI cơ bản tháng 11 sẽ được công bố hôm thứ Ba (12/12) và được dự đoán sẽ tăng 0,3% so với một tháng trước đó. Các số liệu lạm phát theo sau báo cáo thị trường lao động vững chắc cho thấy sự tăng trưởng lành mạnh về việc làm và tiền lương, cùng với sự giảm của tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu trên toàn nền kinh tế đang hạ nhiệt khi năm sắp kết thúc.

“Không có động cơ nào để Fed tỏ ra quá háo hức trong việc cắt giảm lãi suất, vì sợ rằng các điều kiện tài chính sẽ tiếp tục nới lỏng. Mặc dù cuộc họp FOMC tháng 12 có thể không hoàn toàn tán thành việc định giá thị trường trái phiếu về việc cắt giảm lãi suất mạnh vào năm tới, nhưng chúng tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ đạt được một nửa chặng đường”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Những người tham gia thị trường đang chờ đợi có thêm thông tin về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu hạ lãi suất, hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Fed đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022, đẩy chi phí vay đối với tất cả các loại hình kinh doanh và cho vay tiêu dùng tăng cao. Việc tăng lãi suất là một nỗ lực nhằm làm chậm lại nền kinh tế và hạn chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm vào mùa hè năm 2022.

Michael Pearce, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết: “Mặc dù có những tin tức đáng khích lệ hơn về lạm phát, chúng tôi kỳ vọng các quan chức Fed tại cuộc họp vào tuần này sẽ phản đối mạnh mẽ những tin đồn đang hình thành trên thị trường rằng việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra ngay sau tháng 3”.

Cuộc họp của ECB

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde có thể sẽ cố gắng xoa dịu những kỳ vọng của thị trường về việc ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 4.

Mặc dù khu vực đồng euro có thể đang suy thoái và các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng thị trường lao động đang có dấu hiệu chuyển biến, nhưng họ không hoàn toàn tin rằng mối nguy hiểm đối với giá tiêu dùng đã qua và muốn xem thêm dữ liệu về tiền lương.

Thành viên Ban điều hành Isabel Schnabel đã gọi sự suy giảm lạm phát cho đến nay là “đáng chú ý” và nói rằng việc tăng lãi suất tiếp theo hiện khó có thể xảy ra.

Trong cuộc họp tuần này, chủ tịch ECB Lagarde sẽ đưa ra những dự báo mới, kèm theo quan điểm chung về rủi ro đối với tăng trưởng và lạm phát, đây có thể sẽ là thành phần trọng tâm trong thông điệp của ECB nhằm chống lại tình trạng đầu cơ trên thị trường.

“Với những rủi ro xung quanh triển vọng lạm phát, ECB có thể không hài lòng với việc định giá của thị trường rằng lãi suất sẽ được cắt giảm vào tháng 3. Bà Lagarde có thể nói rõ điều đó trong cuộc họp báo. Quan điểm của chúng tôi vẫn là đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6 và rủi ro nghiêng về hành động sớm hơn”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Cuộc họp của BoE

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp thứ ba liên tiếp và đưa ra cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc.

Với việc nền kinh tế Anh đang phải đối mặt với tình trạng trì trệ vào năm tới, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay - hiện ở mức cao nhất trong 15 năm là 5,25% - vào tháng 6.

Tuy nhiên, các quan chức có thể sẽ lặp lại hướng dẫn rằng chính sách tiền tệ cần duy trì hạn chế trong thời gian “kéo dài” để ngăn lạm phát vượt quá mục tiêu 2% trong bối cảnh thị trường lao động vẫn thắt chặt và áp lực giá cả trong lĩnh vực dịch vụ.

“Chúng tôi kỳ vọng BoE sẽ nhấn mạnh thông điệp của mình rằng chính sách có thể sẽ vẫn hạn chế trong thời gian dài - lạm phát dịch vụ quá cao và có những dấu hiệu dự kiến nền kinh tế có thể lấy lại động lực trong quý IV. Vẫn còn một chặng đường dài để đạt được lạm phát 2%”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục