Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ, chứng khoán bước sang năm 2022 với một số yếu tố ảnh hưởng nhưng diễn biến của thị trường trong năm mới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng lợi nhuận và nền kinh tế mạnh mẽ hơn là một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các ngân hàng trung ương.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Biên bản cuộc họp của Fed

Vào thứ Tư (5/1), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp vào tháng 12. Sau cuộc họp vào tháng 12 trước đó, Fed đã thông báo sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng và kết thúc hoàn toàn chương trình vào tháng 3 thay vì tháng 6. Cuộc họp tháng 3 hiện được xem là cơ hội đầu tiên để Fed tiến hành tăng lãi suất.

“Tôi cho rằng mọi người đang bắt đầu chuyển sang bối cảnh tiền tệ đang thay đổi này. Dòng chảy thanh khoản trong hai năm qua không phải là điều mà chúng tôi từng thấy trước đây”, Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group cho biết.

Theo Khảo sát chiến lược của CNBC, các chiến lược gia kỳ vọng năm 2022 sẽ trở nên khó khăn hơn đối với thị trường chứng khoán khi Fed kết thúc việc mua trái phiếu và chuyển sang tăng lãi suất từ mức gần ​​0.

Chiến lược gia Boockvar cho biết, tác động của chính sách thắt chặt sẽ được cảm nhận trên toàn cầu vì các ngân hàng trung ương khác cũng giảm các chương trình mua tài sản và tiến tới tăng lãi suất.

“Dòng chảy thanh khoản đó đang chậm lại và chúng tôi biết nó đã giúp ích được bao nhiêu. Chúng ta không thể tách chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed khỏi thị trường chứng khoán. Chúng ta không thể tách biệt thị trường. Tất cả chúng đều được kết nối. Không có điều gì như vậy mà chúng ta có thể tránh được việc thắt chặt các điều kiện tài chính”, chiến lược gia Boockvar cho biết.

Báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ

Báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ được công bố vào thứ Sáu (7/1) với kỳ vọng tăng 400.000 việc làm so với 210.000 việc làm trong tháng 11 và trung bình 494.000 việc làm được tạo ra trong sáu tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12 dự kiến ​​sẽ giảm xuống 4,1% từ 4,2% trong tháng 11.

Thất nghiệp là một trong những ước tính quan trọng liên quan tới mục tiêu của Fed, vì vậy một báo cáo mạnh mẽ sẽ tạo thêm cơ hội cho Fed tiến hành các kế hoạch tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cuộc họp của OPEC+

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) sẽ họp vào thứ Ba (4/1). Tại cuộc họp trước đó, OPEC+ đã tái khẳng định quyết định tăng sản lượng khai thác dầu 400.000 thùng mỗi ngày vào năm 2022 và cho biết họ dự kiến ​​tác động từ Omicron đối với nhu cầu về dầu là không đáng kể.

Với dữ liệu các trường hợp nhiễm biến thể Omicron gia tăng mạnh và hàng loạt các vụ hủy chuyến bay, nhưng hiện không có sự đồng thuận rõ ràng rằng tác động của biến thể này nhẹ hơn so với các biến thể trước của Covid-19. Do đó quyết định của OPEC về kế hoạch tăng sản lượng đang thu hút sự chú ý cũng như những dự báo thay đổi triển vọng và lịch trình sản xuất trong năm 2022.

Giá dầu đã kết thúc năm 2021 với tăng hơn 50%, trong đó giá dầu WTI có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2009 và giá dầu Brent có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2016. Sự phục hồi của nhu cầu về mức trước đại dịch trong năm nay được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá dầu ngay cả khi OPEC tăng sản xuất.

Chỉ số PMI và số CPI trên khắp thế giới

Chỉ số PMI được công bố trong tuần này trên toàn thế giới sẽ là một thước đo quan trọng khác về hoạt động kinh tế. Hầu như các nhà dự báo đều cho rằng hoạt động sản xuất sẽ mở rộng ở hầu hết các quốc gia.

Với những thách thức về chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra, các nhà dự báo kỳ vọng ngành sản xuất sẽ tăng lên như một phần của quá trình bình thường hóa, nhưng những thay đổi về hành vi và thời tiết mùa đông ở Bắc bán cầu có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng dịch vụ.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng được công bố từ nhiều quốc gia khác nhau trong tuần này. Chỉ số được công bố bắt đầu ở Hàn Quốc và các nước châu Âu và sau đó là Khu vực đồng tiền chung châu Âu với báo cáo tổng thể vào cuối tuần này.

Cuộc trao đổi giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến ​​sẽ có cuộc trao đổi qua điện thoại vào thứ Năm (6/1) khi căng thẳng ở biên giới Ukraine/Nga tiếp tục.

Ngoài nguy cơ bất ổn địa chính trị, điều này có liên quan nhiều nhất đến các nhà đầu tư đối với giá năng lượng châu Âu và tác động của lạm phát trong chuỗi cung ứng thực phẩm và các quốc gia khác. Mặc dù khí đốt tự nhiên đã lùi lại mức đỉnh gần đây ở châu Âu sau một loạt điều chỉnh nguồn cung, nhưng căng thẳng dịu đi sẽ là một điều tốt cho các thị trường và khu vực nói chung.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục