Các sáng kiến phát triển bền vững cần liên kết với chiến lược tổng thể

(ĐTCK) Theo nghiên cứu của PwC, gần 72% doanh nghiệp đề cập đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong báo cáo năm nay, tăng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, SDG thực sự là một phần trong chiến lược kinh doanh của công ty chỉ chiếm 27%. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam. 
Các sáng kiến phát triển bền vững cần liên kết với chiến lược tổng thể

Ông Hoàng Ðức Hùng cho biết, tiến bộ đạt được trong việc nâng cao nhận thức và tích hợp các mục tiêu là một bước tiến trong việc thực thi SDG, nhưng chưa đáng kể. Ðối với mỗi mục tiêu SDG, có những vấn đề thực sự cấp bách, có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù đã có định hướng rõ ràng với các mục tiêu, nhưng nhiều tổ chức không có chiến lược cụ thể và công cụ để chuyển đổi các cam kết thành các bước triển khai của hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, một nửa số công ty được khảo sát xác định các SDG ưu tiên thuộc ngành năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ tiện ích, nhưng chỉ có 28% sử dụng các chỉ số hiệu suất chính (KPI) để đạt được các mục tiêu.

Từ các báo cáo PTBV được doanh nghiệp công bố, theo ông, số lượng cũng như chất lượng thông tin có mức độ tin cậy và hữu dụng cho các bên liên quan như thế nào?

ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam.

Bên cạnh sự chủ động từ phía doanh nghiệp cũng như hỗ trợ thúc đẩy của các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo sự tuân thủ quy định công bố thông tin PTBV theo Thông tư 155/2015/TT-BTC, chất lượng các báo cáo có sự cải thiện đáng kể, giúp các bên liên quan nắm được rõ hơn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tiếp cận báo cáo PTBV không chỉ là cổ đông, nhà đầu tư, mà còn các bên liên quan khác có sự ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các nhóm này ngày càng quan tâm đến việc doanh nghiệp có tích hợp PTBV vào tổng thể hoạt động vận hành và việc tạo ra giá trị với kết quả cụ thể hay không.

Mức độ tích hợp bền vững được liên kết chặt chẽ với các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG) giúp doanh nghiệp xác định được các cơ hội cải thiện, phản ánh mức độ trưởng thành trong thực hành PTBV của doanh nghiệp.

Một bộ phận doanh nghiệp đã có sự phân tích, đánh giá về các đối tác và đối thủ cạnh tranh trên các khía cạnh PTBV khác nhau, nhằm từng bước đạt được sự đảm bảo trong PTBV. Các phân tích cũng được làm rõ thông qua các sáng kiến trong PTBV đáp ứng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp còn thiếu sự đầu tư cần thiết nên nhiều nỗ lực vẫn tập trung vào báo cáo và các sáng kiến chưa có tính liên kết chặt chẽ. Một số doanh nghiệp trình bày các chiến lược PTBV trong báo cáo, nhưng thiếu mục đích và mục tiêu định lượng để đo lường, đánh giá tiến trình thực hiện.

Nếu doanh nghiệp không có các cam kết mạnh mẽ về tính chịu trách nhiệm, kết nối với chiến lược và mục đích kinh doanh đã xác định, sẽ gây nhiều khó khăn cho các bên liên quan trong việc nắm bắt thực tiễn hoạt động doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp lập báo cáo PTBV chủ yếu đóng góp cho vai trò marketing sản phẩm và thương hiệu của công ty. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Báo cáo PTBV là một kênh truyền thông kết nối doanh nghiệp với các bên liên quan và mức độ tác động đến hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng thông tin được truyền tải.

Có nhiều lợi ích bên ngoài rất quan trọng đến từ việc truyền đạt thông tin liên quan đến thị trường, nhưng không phải hữu hình hoặc có thể đo lường được.

Những lợi ích vô hình có thể bao gồm: tăng niềm tin và sự tin tưởng của các bên liên quan; nâng cao uy tín doanh nghiệp (giảm rủi ro uy tín); đối thoại hiệu quả hơn với các bên liên quan. Những điều này nhìn chung có thể phù hợp với động lực xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, những lợi ích cơ bản nhất mang lại chính từ sự kỷ luật nhất quán giúp hoạt động nội bộ của doanh nghiệp trở nên minh bạch, rõ ràng và hiệu quả. Ðiều này có thể dễ dàng được thấy trong báo cáo của các công ty có sự đảm bảo thông tin hỗ trợ việc ra quyết định quản lý, đồng thời thông tin trở thành chất xúc tác thúc đẩy gắn kết chặt chẽ các bên liên quan.

Cách tiếp cận báo cáo PTBV được chia thành 3 cấp độ: bảo đảm giá trị, hiệu quả hóa giá trị và cuối cùng là tạo ra giá trị.

Các báo cáo được sử dụng cho mục đích tuân thủ và xây dựng thương hiệu chỉ ở cấp độ “bảo đảm giá trị”, trong khi ở cấp độ “hiệu quả giá hóa trị” nhằm xác định các mối liên kết cộng hưởng cho hiệu quả hoạt động. Nó có thể là bước đệm cho cấp độ “tạo giá trị”, trong đó các phương thức tạo giá trị được tùy chỉnh, các giá trị chia sẻ được tạo ra đem lại kết quả bền vững cho đơn vị.

Từ thực tế kết quả của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, các báo cáo PTBV được doanh nghiệp lập riêng ngày càng tăng về số lượng, nhưng việc có báo cáo riêng và việc thực hành tốt các mục tiêu PTBV là hai việc khác nhau. Theo ông, lợi ích thực tế của doanh nghiệp trong việc lập báo cáo này là gì?

Trong quá trình tham gia đánh giá các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy việc cải thiện chất lượng báo cáo không đơn thuần là việc tuân thủ và cách trình bày báo cáo, nếu không đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan.

Vấn đề trọng tâm là báo cáo cung cấp thông tin chất lượng và đáng tin cậy, phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, cũng như cho thấy triển vọng trong tương lai của doanh nghiệp.

Việc phát triển một chương trình bền vững hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của công ty phụ thuộc vào việc xác định các rủi ro và cơ hội ESG. Bốn loại rủi ro PTBV chính bao gồm: rủi ro nguồn lực, rủi ro pháp lý, rủi ro danh tiếng và rủi ro biến đổi khí hậu.

Các rủi ro PTBV ngày càng đặt ra nhiều thách thức cũng như tạo ra các cơ hội riêng biệt trên các lĩnh vực.

Các yếu tố như phạm vi, mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đặc tính của sản phẩm hay đặc điểm của lực lượng lao động giúp xác định các rủi ro và cơ hội cho từng lĩnh vực.

Kết hợp những rủi ro và cơ hội này để xây dựng báo cáo PTBV giúp phát huy các lợi ích của báo cáo. Báo cáo PTBV giúp doanh nghiệp rà soát tính hiệu quả, đặt ra các mục tiêu rõ ràng và điều chỉnh các sáng kiến phù hợp với chiến lược chung của doanh nghiệp.

Ðiều này đặc biệt quan trọng với những doanh nghiệp đang tìm cách cải thiện hiệu quả quản lý, thậm chí chuyển đổi chiến lược và mô hình kinh doanh khi rủi ro và cơ hội ESG được định lượng, tích hợp và giám sát liên tục.

Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để vừa kiểm soát tốt các tác động của hoạt động kinh doanh lên môi trường, xã hội, vừa có thể có báo cáo PTBV chất lượng?

Sự thành công của báo cáo được thể hiện khi doanh nghiệp đưa ra bức tranh chi tiết mà không lộn xộn hay không có các nội dung không cần thiết và đạt được sự cân bằng giữa nội dung, chất lượng và mức độ liên kết, tích hợp thông tin. B

áo cáo tác động giúp công ty chứng minh với các bên liên quan rằng họ có cách tiếp cận chiến lược, dựa trên dữ liệu để quản lý tác động. Ðo lường tác động liên quan đến việc mô tả, định lượng hoặc gắn giá trị tài chính với đầu vào, đầu ra, kết quả và tác động một cách hiệu quả.

Các doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc phát triển một tầm nhìn chiến lược PTBV tổng thể trong chiến lược kinh doanh cốt lõi, được cụ thể hóa bằng các mục tiêu PTBV trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Các sáng kiến PTBV cần có sự liên kết rõ ràng với chiến lược tổng thể và phải có tính thực tiễn, bao gồm hướng quản lý các rủi ro và cơ hội chính cũng như các ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trên các lĩnh vực trọng yếu.

Với sự hỗ trợ từ hệ thống quản trị PTBV thiết yếu, việc đo lường ảnh hưởng cho phép doanh nghiệp theo dõi quá trình của họ trước các mục tiêu đầy thách thức nhưng thực tế.

Các hệ thống thông tin tích hợp sẽ giúp nâng cao chất lượng báo cáo PTBV. Chúng tôi tin rằng, có những lựa chọn phù hợp cho mọi công ty đang tìm cách chuyển đổi chiến lược nhiệm vụ báo cáo của mình theo một lộ trình thích hợp.

Nếu các mục tiêu SDG chủ yếu được đưa vào thành một phần trung tâm trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp có cơ hội thành công trong việc đạt được mục tiêu. Ðiều quan trọng là các doanh nghiệp minh bạch thông tin đến các bên liên quan về lộ trình của mình và chứng minh doanh nghiệp thực hiện các bước trong lộ trình đó một cách rõ ràng, nhất quán.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục