Ðồng thời, Fed đã giảm lãi suất vốn xuống 0% và quyết định nới lỏng định lượng (QE), cam kết mua 700 tỷ USD tài sản bao gồm các trái phiếu chính phủ và chứng khoán phát hành dựa trên các khoản vay mua nhà, đồng thời tăng mạnh lượng tiền mặt hàng ngày vào thị trường tài chính từ 50 tỷ USD lên 150 tỷ USD và dự kiến bơm thêm hơn 1.500 tỷ USD vốn cho vay ngắn hạn vào thị trường, thông qua hợp đồng mua lại (repo) kỳ hạn 3 tháng.
Fed cũng tăng lượng tiền cung cấp cho các ngân hàng thông qua việc cho vay qua đêm lên đến 175 tỷ USD, thay đổi kỳ hạn của các loại trái phiếu chính phủ mà Fed mua lại mỗi tháng.
Ngày 25/3, Thượng viện và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận về gói kích thích chưa từng có trong lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD nhằm tài trợ trực tiếp cho các cá nhân, gia đình Mỹ, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, bảo hiểm thất nghiệp và các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 tuyên bố giữ nguyên lãi suất do lãi suất tại khu vực này đang ở mức âm, nhưng sẽ cấp khoản vay mới cho các ngân hàng, áp dụng lãi suất hấp dẫn hơn với một số công cụ cấp vốn hiện hành, đồng thời tăng quy mô chương trình nới lỏng định lượng thêm 120 tỷ Euro (135,3 tỷ USD).
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định hạ lãi suất cơ bản thêm 0,5% vào ngày 11/3, đây là lần đầu tiên BoE điều chỉnh lãi suất bất thường kể từ khủng hoảng tài chính 2008 và là lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ tháng 8/2016.
Ngay sau đó, Chính phủ Ðức ngày 13/3 công bố gói kích thích kinh tế trị giá 550 tỷ Euro (614 tỷ USD) lớn nhất từ trước tới nay.
Tại Pháp, cơ chế trợ giúp thất nghiệp đặc biệt được triển khai thông qua việc Chính phủ chịu trách nhiệm thanh toán khoản bồi thường cho người lao động buộc phải nghỉ việc ngắn hạn và bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng cho các công ty vừa và nhỏ lên mức 90%. Chính phủ Anh cũng đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 39 tỷ USD.
Tại Nhật Bản, ngày 13/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây nới lỏng chính sách tiền tệ, thông báo sẵn sàng bơm thêm 500 tỷ Yên (khoảng 4,8 tỷ USD) vào thị trường thông qua hoạt động mua lại trái phiếu; tiếp đó ngày 16/3, BOJ tung ra chương trình khẩn cấp bao gồm mua lại cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác, cho vay vốn lãi suất 0% thời hạn 1 năm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố gói cứu trợ kinh tế lần 1 trị giá 4 tỷ USD (ngày 10/3) và lần 2 trị giá 9,6 tỷ USD (ngày 12/3).
Tại Singapore tháng 2/2020, Cơ quan tiền tệ tuyên bố có thể giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngày 11/3, Singapore công bố về gói kích thích kinh tế lần 2 trị giá 2,86 tỷ USD ngay sau gói hỗ trợ 6,4 tỷ USD vào tháng trước.
Các gói hỗ trợ bao gồm hỗ trợ y tế, dành cho doanh nghiệp và gia đình, dành cho người có thu nhập thấp. Ngày 26/3, Singapore tiếp tục đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 33 tỷ USD để đối phó với ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tại Malaysia, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã phải hạ lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm, xuống mức 2,5% nhằm đối phó với những tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Chính phủ Malaysia công bố gói kích thích tăng trưởng trị giá 4,7 tỷ USD.
Indonesia đang hoàn tất 8 biện pháp bao gồm nói lỏng các quy định về xuất nhập khẩu, cắt giảm thuế nhập khẩu…, sẽ được kết hợp trong gói kích thích kinh tế trị giá 725 triệu USD nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu khi chuỗi cung ứng bị đình trệ do dịch Covid 19.
Tại Thái Lan, Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan cho biết, tất cả những ai mất việc trong khủng hoảng đều được miễn trả góp tiền nhà cho ngân hàng trong 1 năm.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% về 1%/năm, mức thấp kỷ lục và là lần cắt giảm thứ ba trong 5 cuộc họp gần nhất, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế dưới áp lực hạn hán và sự bùng nổ của dịch Covid-19 gây ra.
Ngày 10/3, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt gói kích cầu kinh tế trị giá 12,7 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho 14,6 triệu người có thu nhập thấp và 3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ giảm 10% chi tiêu ngân sách, cân nhắc mua sắm hàng hóa dịch vụ từ các doanh nghiệp địa phương.