Thông tin về việc số người nhiễm virus tại Mỹ vượt con số 100.000 người khiến giới đầu tư hoảng sợ, đẩy phố Wall giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.
Con số trên khiến giới đầu tư lo ngại về số phận nền kinh tế Mỹ, nên đồng loạt bán tháo ra bất chấp Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ 2.200 tỷ USD.
Kết thúc phiên 27/3, chỉ số Dow Jones giảm 915,39 điểm (-4,06%), xuống 21.636,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 88,60 điểm (-3,37%), xuống 2.541,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 295,16 điểm (-3,79%), xuống 7.502,38 điểm.
Bất chấp phiên điều chỉnh khá mạnh cuối tuần, nhưng với các phiên khởi sắc trước đó nhờ các gói kích thích kinh tế, phố Wall đã hồi phục mạnh mẽ trở lại sau 2 phiên lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2008 trước đó. Cụ thể, trong tuần chỉ số Dow Jones tăng 12,84%, chỉ số S&P tăng 10,26% và Nasdaq tăng 9,05%.
Thông tin Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiễm Covid-19 đã làm chao đảo chứng khoán Anh, đồng thời lây lan sang các thị trường khác trong phiên giao dịch cuối tuần.
Kết thúc phiên 27/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 304,40 điểm (-5,25%), xuống 5.510,33 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 368,44 điểm (-3,68%), xuống 9.632,52 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 192,09 điểm (-4,23%), xuống 4.351,49 điểm.
Dù điều chỉnh mạnh phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong tuần qua sau chuỗi giảm liên tiếp, đặc biệt là tuần lao dốc giữa tháng 3. Cụ thể trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 6,16%, chỉ số DAX tăng 4,86%, chỉ số CAC40 tăng 7,48%. Đây cũng là tuần tăng tốt nhất của chứng khoán châu Âu kể từ năm 2011.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế, các thị trường chính trong khu vực đều trở lại đà tăng sau phiên điều chỉnh hôm thứ Năm.
Kết thúc phiên 27/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 724,83 điểm (+3,88%), lên 19.389,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 72,9 điểm (+0,26%), lên 2.772,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,94 điểm (+0,56%), lên 23.484,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,49 điểm (+1,87%), lên 1.717,73 điểm.
Với phiên tăng cuối tuần, chứng khoán Nhật Bản ghi nhận tuần tăng mạnh nhật lịch sử, còn chứng khoán Hàn Quốc cũng có tuần tăng mạnh nhất trong 11 năm. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 17,14%, chỉ số Hang Seng tăng 2,98%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,97% và Kospi tăng 9,68%.
Giá vàng trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần, trong khi giá vàng giao ngay lình xình và đóng cửa tăng nhẹ, thì giá vàng tương lai lại quay đầu giảm mạnh.
Kết thúc phiên 27/3, giá vàng giao ngay tăng 3,5 USD (+0,22%), lên 1.628,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 26,2 USD (-1,59%), xuống 1.625,0 USD/ounce.
Với các phiên tăng vọt trong tuần, giá vàng đã có tuần hồi phục trở lại sau 3 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 8,62% và giá vàng tương lai tăng 9,46%.
Với diễn biến hiện tại và đà mua mạnh trong tuần qua, giới đầu tư và phân tích đều đặt cược vào đà khởi sắc tiếp theo của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 14 chuyên gia được hỏi trả lời tuần này, có 10 chuyên gia, chiếm 71% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn con số 69% của tuần trước. Chỉ có 1 người dự báo giảm, chiếm 5%, trong khi tuần trước không có ai dự báo giá giảm. 3 người còn lại, chiếm 21% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Tương tự, trong 1.595 lượt nhà đầu tư trả lời thăm dò trực tuyến, có 1.138 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chiếm 71%, cao hơn nhiều con số 51% của tuần trước; 244 lượt, chiếm 15% dự báo giá sẽ còn giảm, thấp hơn con số 31% của tuần trước và 213 lượt, chiếm 13% dự báo giá đi ngang.
Bất chấp các gói kích thích được tung ra, nỗi lo suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu, trong khi sản lượng tăng khiến giá dầu tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần và tiếp tục ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 27/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,09 USD (-5,07%), xuống 21,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,41 USD (-5,66%), xuống 24,93 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 4,10% giá dầu thô Brent giảm 7,60%.