Covid-19 đang gây gián đoạn hoạt động kinh tế trên toàn cầu, khiến doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt và hàng chục triệu người thất nghiệp. Việc này đang tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho người dân trên thế giới. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) còn dự báo 11 triệu người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể bị đẩy vào cảnh nghèo khổ vì đại dịch.
Vì vậy, nhiều quốc gia đã phải tung biện pháp hỗ trợ, nhằm xoa dịu khó khăn tài chính cho người dân. Các chính sách phổ biến là chia tiền, hỗ trợ trả lương và giảm chi phí điện, nước, internet.
Tại Malaysia, bắt đầu từ hôm nay (1/4), người dân nước này sẽ được nhận hàng loạt hỗ trợ. Trong gói giải cứu kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit (gần 58 tỷ đôla Mỹ) được Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin công bố cuối tuần trước, chính phủ sẽ dành ra 10 tỷ USD thanh toán một lần cho người dân. Tùy từng mức thu nhập, các cá nhân và hộ gia đình sẽ nhận được từ 500 – 1.600 ringgit. Khoản này được trả hai lần, vào tháng 4 và tháng 5.
Ngoài ra, các nhân viên y tế, cảnh sát, lực lượng quân đội và những người trực tiếp tham gia vào chiến dịch MCO cũng sẽ được nhận trợ cấp đặc biệt hàng tháng cho đến khi đại dịch kết thúc.
Trợ cấp cũng được áp dụng cho nhóm người dễ tổn thương như người già, trẻ nhỏ trong các cơ sở bảo trợ xã hội, người khuyết tật, vô gia cư. Các sinh viên cao học, công chức, tài xế dịch vụ gọi xe thì được hỗ trợ tiền mặt một lần. Bệnh nhân được trợ cấp viện phí. Người đầu tư vào chương trình tiết kiệm về hưu PRS thì được rút tiền trước thời hạn mà không mất phí phạt.
Các nông dân, ngư dân cũng sẽ được hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước. Chính phủ Malaysia cũng hỗ trợ trả lương 3 tháng cho người lao động, với 600 ringgit mỗi tháng nhằm giúp họ không bị công ty sa thải. Dù vậy, chương trình này chỉ áp dụng với những người thu nhập dưới 4.000 ringgit và công ty bị giảm doanh thu hơn 50% trong 3 tháng đầu năm.
Các chi phí thuê nhà, điện, nước, internet cho người dân cũng được giảm bớt. Trong 6 tháng kể từ tháng 4, người dân Malaysia sẽ được giảm 2% hóa đơn tiền điện mỗi tháng.
Riêng người dân bang Sabah được giảm 30% tiền điện và miễn phí tiền nước trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 4.
Chính phủ Malaysia cũng sẽ hợp tác với các hãng viễn thông, cung cấp internet miễn phí cho toàn bộ khách hàng từ hôm nay (1/4) đến khi Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) kết thúc vào giữa tháng này. Họ sẽ chi tiền nâng cấp hệ thống để đảm bảo chất lượng dịch vụ cao và ổn định.
Tại Sharjah – tiểu quốc thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Quốc vương Sultan bin Muhammad Al Qasimi đầu tuần trước thông báo giảm 10% hóa đơn tiền điện tại tiểu quốc này trong 3 tháng. Ông cho biết đây là một trong các biện pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người dân tại đây trong cuộc chiến chống Covid-19. Họ dự kiến chi 230 triệu dirham cho kế hoạch này.
Trước đó, Dubai ngày 17/3 cũng công bố chính sách tương tự. Người dân được giảm 10% hóa đơn tiền điện, nước và các dịch vụ làm mát trong 3 tháng.
Hong Kong (Trung Quốc) là một trong những nền kinh tế chia tiền cho người dân sớm nhất. Cuối tháng 2, lãnh đạo phụ trách tài chính Hong Kong Paul Chan công bố gói kích thích trị giá 120 tỷ đôla Hong Kong (15,4 tỷ USD), nhằm vực dậy niềm tin kinh tế trong bối cảnh bất ổn chính trị và dịch Covid-19. Trong đó có khoản hỗ trợ 10.000 đôla Hong Kong (gần 1.300 USD) với mỗi người từ 18 tuổi trở lên thường trú tại đây.
Còn tại Mỹ, giới chức nước này cuối tuần trước cũng thông qua gói kích thích quy mô khổng lồ - 2.200 tỷ USD. Trong đó, khoảng 290 tỷ USD sẽ dành để chi trả trực tiếp cho hàng triệu người dân. Mỗi người được nhận tối đa 1.200 USD. Trẻ em được 500 USD. Mức hỗ trợ sẽ thấp dần với những người có thu nhập hơn 75.000 USD một năm. Còn những người kiếm hơn 99.000 USD sẽ không nhận được khoản này.
Ngoài ra, trợ cấp thất nghiệp cũng tăng thêm 600 USD một tuần trong tối đa 4 tháng. Lao động tự do thất nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ. Những người làm việc theo giờ bị giảm giờ làm sẽ được chính phủ hỗ trợ lương, nhằm giảm khả năng họ bị sa thải. Nhóm chính sách này dự kiến tiêu tốn 260 tỷ USD.
Chính phủ Hàn Quốc đầu tuần này tuyên bố sẽ tăng ngân sách để chi trả tiền hỗ trợ cho hơn nửa số hộ gia đình tại đây, nhằm xoa dịu tác động kinh tế từ dịch bệnh. Gói giải cứu cho 14 triệu hộ thu nhập thấp dự kiến có quy mô 10.300 tỷ won. Theo Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc, mỗi hộ gia đình 4 người trở lên nằm trong nhóm 70% thu nhập thấp nhất cả nước sẽ nhận 1 triệu won.
Tại nhiều nước châu Âu, chính sách hỗ trợ trả lương cho người lao động lại được áp dụng phổ biến. Chính phủ Anh trả 80% lương, tối đa 2.500 bảng một tháng, cho mỗi lao động phải nghỉ việc tạm thời. Mức này của chính phủ Pháp là 84% lương, lên tới 5.330 euro mỗi tháng thay vì 1.219 euro theo kế hoạch trước đó.
Công nhân rời nhà máy của Volkswagen tại Wolfsburg (Đức) tối ngày 19/3.Ảnh: Reuters.
Ở Hà Lan, bất kỳ công ty nào dự kiến giảm doanh thu ít nhất 20% đều có thể xin trợ cấp để trả tới 90% tiền lương cho nhân viên trong ba tháng. Chính phủ sẽ tạm ứng tới 80% số tiền được yêu cầu.
Ở Tây Ban Nha, người lao động có thể được nhận 70% lương cơ bản dưới dạng trợ cấp thất nghiệp, giới hạn ở mức 1.400 euro mỗi tháng. Khi thời gian nghỉ việc tạm thời kết thúc, các công ty phải thuê lại tất cả các công nhân trong ít nhất sáu tháng. Các chính sách tương tự cũng được triển khai ở các quốc gia vùng Scandinavia.
Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp này không chỉ cứu trợ nhanh chóng cho doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ suy thoái đột ngột. Nó còn giúp các công ty khi hoạt động trở lại không phải mất thời gian tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.