Lạm phát gia tăng đã buộc các nền kinh tế phát triển phải tăng lãi suất tổng cộng 2.515 điểm cơ bản trong chu kỳ này, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương ở Mỹ, khu vực đồng euro và Anh sẽ theo chân các ngân hàng trung ương nhỏ hơn để làm chậm tốc độ tăng lãi suất, những điều này đã giúp thúc đẩy tâm lý lạc quan trên thị trường.
Chứng khoán Mỹ tăng 13% so với mức thấp nhất của tháng 10, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 0,38% trong tháng 11, mức giảm nhiều nhất nhất kể từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, thị trường vẫn dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất hơn 100 điểm cơ bản lên 5% vào quý II/2023. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản kể từ tháng 7 và dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi lãi suất tiền gửi lên dưới 3% vào giữa năm 2023.
Với lạm phát có khả năng đạt đỉnh và suy thoái kinh tế đang rình rập, nguy cơ thắt chặt tiền tệ quá mức đẩy nhanh suy thoái đang nằm trong danh sách theo dõi của các nhà đầu tư trong năm tới.
Robert Waldner, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại công ty quản lý tài sản Invesco cho biết: “Chúng tôi cho rằng, Fed đã sai lầm trong chính sách. Họ đã quá hung hăng. Họ đã đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất trong một khoảng thời gian rất ngắn”.
Nghiên cứu gần đây của Fed cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đã vượt quá mức yêu cầu theo các quy tắc chính sách thường được tuân theo và nên nhắm mục tiêu 3,52%, so với mức 3,75% - 4% mà Fed hiện đang nhắm mục tiêu.
Robert Waldner cho biết, ông sẽ khuyến nghị tốc độ thắt chặt thậm chí còn chậm hơn so với kỳ vọng của thị trường. Ông tin rằng lãi suất đã bị hạn chế, lạm phát đã lên đến đỉnh điểm và tăng trưởng đang chậm lại.
Giá dầu đã giảm 45% kể từ tháng 2 và xóa sạch mức tăng trong năm 2022. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu vẫn tăng cao, nhưng đã giảm khoảng 60% so với mức đỉnh vào tháng 9.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm bớt và giá sản xuất đang ở mức vừa phải hoặc giảm. Chỉ số đo lường tắc nghẽn toàn cầu của ABN AMRO lần đầu tiên trở lại mức trung tính vào tháng 11 kể từ cuối năm 2020. Ngoài ra, dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ và khu vực đồng euro giảm nhiều hơn dự kiến.
Tuy nhiên, nền kinh tế Anh đã suy giảm trong quý III và khiến nước này đứng trước nguy cơ suy thoái kéo dài, trong khi hoạt động sản xuất của Mỹ đang bị thu hẹp và dữ liệu hoạt động kinh doanh chỉ ra một cuộc suy thoái nhẹ ở khu vực đồng euro. Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy 60% khả năng Mỹ suy thoái trong năm tới, tăng từ mức 25% vào tháng 6.
Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng chỉ ra rằng, khi tất cả các nền kinh tế tiên tiến đều tăng lãi suất đồng thời sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng mà ít tác động đến việc giảm lạm phát.
Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế của Fed cho biết: “Fed đang đánh giá thấp nghiêm trọng những gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Mỹ nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái”.
Tại khu vực đồng euro, giá năng lượng tăng cao và nguồn cung hạn chế phần lớn đã thúc đẩy lạm phát và một số người cho rằng ECB đang tăng lãi suất quá nhanh nhưng hầu như không thể chế ngự được những áp lực của lạm phát.
Trong khi đó, cả trái phiếu ngắn hạn của Mỹ và Đức đều mang lại lợi suất cao hơn nhiều so với trái phiếu dài hạn, đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang nghi ngờ chính sách tiền tệ sẽ làm trầm trọng thêm nỗi đau kinh tế. Ngoài ra, chênh lệch lợi suất của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm của Mỹ gần đây đã ở mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Cố vấn kinh tế trưởng của UniCredit, Erik Nielsen cho rằng ECB nên tạm dừng thắt chặt tiền tệ.
“Mối quan tâm thực sự của tôi là vào giai đoạn 2023-2024, khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ có tác động tối đa đến nhu cầu và đóng vai trò khuếch đại nỗi đau đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp do giá năng lượng cao hơn, cũng như hầu hết các hỗ trợ tài chính sau đó có thể cần được khôi phục”, ông Erik Nielsen cho biết.