Các nhà phân tích cảnh báo về suy thoái kinh tế nếu giá dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phân tích cảnh báo về việc lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ đối với dầu của Nga có thể làm trầm trọng thêm áp lực giá dầu và giá thực phẩm vốn đã tăng vọt, và điều đó có thể gây ra suy thoái nếu giá dầu tiếp tục leo thang.
Các nhà phân tích cảnh báo về suy thoái kinh tế nếu giá dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa

Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết, nếu Nga trả đũa bằng cách từ chối cung cấp dầu cho châu Âu, điều đó có thể “dễ dàng” khiến giá dầu tăng thêm từ 20 - 30 USD/thùng. Moscow trước đây đã đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu nếu các nước phương Tây nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng của nước này.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga hôm 8/3, giá dầu thô của Mỹ đã giao dịch trên 128 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng trên 130 USD trước khi giảm trở lại. Anh và Liên minh châu Âu cũng cho biết, họ sẽ loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu của Nga.

“Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là những mức giá này đã tăng quá nhanh đến mức chúng có thể gây ra suy thoái ở châu Âu và châu Mỹ Latinh, kéo theo cả Mỹ, điều này cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng bán hàng tiêu dùng của Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới”, ông Andy Lipow cho biết.

Theo thống kê từ Goldman Sachs, Nga cung cấp 11% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu, 17% lượng khí đốt toàn cầu và 40% lượng tiêu thụ khí đốt của Tây Âu vào năm 2021.

Trong trường hợp xấu nhất, lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu năng lượng của Nga ở tất cả các quốc gia tiêu thụ lớn sẽ “làm giảm và gián đoạn nguồn cung năng lượng một cách nghiêm trọng và đẩy giá tiếp tục đi sâu vào vùng lãnh thổ chưa được thăm dò”, Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa chính tại Capital Economics cho biết.

“Lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ kết thúc năm ở mức khoảng 5% so với mức 2,4% mà chúng tôi dự báo trước khi xung đột Nga và Ukraine leo thang và tác động của việc giảm chi tiêu của các hộ gia đình và phân bổ năng lượng ở châu Âu sẽ đẩy khu vực đồng euro vào suy thoái”, ông cho biết thêm.

Về lý thuyết, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs cho biết, dòng chảy dầu có thể được sắp xếp lại để giảm bớt tình trạng nguồn cung thắt chặt ở phương Tây, nhưng trên thực tế, nó có thể không hiệu quả.

“Nếu các nước phương Tây mua ít dầu hơn của Nga, về nguyên tắc, Trung Quốc và Ấn Độ có thể mua nhiều dầu hơn của Nga và tương ứng với lượng dầu khác của Ả Rập Xê Út và các nước khác, sau đó có thể chảy sang phương Tây”, ông cho biết.

“Nhưng việc sắp xếp lại này không hoàn hảo, không chỉ vì chi phí vận tải tăng và các xích mích kỹ thuật khác mà còn vì Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ miễn cưỡng trong việc tăng mạnh nhập khẩu vì các khoản thanh toán tương ứng với Nga đang gặp khó khăn vào thời điểm mà Nga đang trở thành một quốc gia bị xa lánh trên toàn cầu”, ông cho biết thêm.

Phản ánh những lo ngại đó, giá dầu đã tăng hơn 20 USD/thùng so với mốc 120 USD/thùng mà Goldman Sachs dự đoán. Nhà kinh tế Hatzius cho biết, ngân hàng đầu tư này ước tính “cú sốc 20 USD duy trì” về giá dầu sẽ làm giảm GDP thực tế xuống 0,6% trong khu vực đồng euro và ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục