Các nhà lãnh đạo thế giới theo chủ nghĩa dân túy lo sợ ông Trump thua cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc bầu cử Mỹ sắp tới đang được các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm theo dõi, những người luôn coi trọng Tổng thống Donald Trump vì sự ưu ái và tình bạn, cũng như những người có chung đặc điểm chính trị của ông.
Các nhà lãnh đạo thế giới theo chủ nghĩa dân túy lo sợ ông Trump thua cuộc

Nếu ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử, các chuyên gia chính trị tin rằng, các nhà lãnh đạo khác tán thành quan điểm chính trị dân túy tương tự - từ Matteo Salvini, người lãnh đạo đảng Lega chống nhập cư của Ý, đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - có thể thấy vận mệnh chính trị của chính họ có thể thay đổi.

“Tổng thốngTrump, với tư cách là nhà lãnh đạo dân túy của siêu cường duy nhất trên thế giới, là đồng minh dân túy lớn nhất mà người ta có thể có, và vì vậy, thất bại có thể xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh vào các chính phủ dân túy trên toàn thế giới. Có thể là công khai hoặc dưới hình thức ngầm”, theo Erin Kristin Jenne, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Central European University ở Vienna nói với CNBC.

“Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy tìm cách thay đổi vị thế của đất nước họ trong trật tự quốc tế bằng cách thách thức những ràng buộc mang tính hệ thống và họ cần các đồng minh để làm điều này”, bà nói thêm.

Theo CNBC, từ Brexit đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Brazil với chiến thắng của ông Jair Bolsonaro, các chính trị gia và đảng phái dân túy trên khắp thế giới có chung đặc điểm với nền chính trị của Tổng thống Trump, họ có xu hướng nghiêng về quan điểm chính trị cực hữu và thúc đẩy các chính sách chủ nghĩa dân tộc, không nhân nhượng và chống nhập cư, cũng như chia sẻ sự hoài nghi và thường từ chối hoàn toàn toàn cầu hóa.

Cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump vào năm 2016 dường như đã đến ở đỉnh cao của làn sóng dân túy trong chính trị toàn cầu. Đầu năm 2016, Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU sau nhiều năm chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, chống nhập cư và hùng biện dân túy từ Đảng Độc lập Anh (UKIP) và các phần báo chí Anh đăng tải những câu chuyện chống EU, bao gồm cả “fake news”.

Giống như người Anh hy vọng rằng việc rời khỏi EU sẽ trao quyền cho họ và thúc đẩy việc làm của người Anh, tương tự ở Mỹ, lời hứa “Make America Great Again” của Tổng thống Trump là một lời kêu gọi chung tay hỗ trợ cho nhiều người bên ngoài các trung tâm đô thị ở Mỹ, những người cảm thấy bị lãng quên bởi giới tinh hoa đô thị và những người trong các hành lang quyền lực.

Bốn năm kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền và trong bối cảnh phản ứng bị chỉ trích mạnh mẽ đối với đại dịch và nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng, triển vọng của tổng thống trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 là không chắc chắn với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây nhất.

Theo một số chuyên gia chính trị, việc ông Trump thua cuộc bầu cử có thể là điều tồi tệ đối với các nhà lãnh đạo khác theo phong cách của ông.

“Xem xét ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới và châu Âu nói riêng, tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy sự suy giảm của các nhà lãnh đạo dân túy nếu Trump thua cuộc bầu cử”, theo Nadia Urbinati, giáo sư Lý thuyết chính trị tại Đại học Columbia nói với CNBC.

Cựu chiến lược gia cấp cao của Nhà Trắng Steve Bannon “đã dành rất nhiều nguồn lực và năng lượng để đưa Tổng thống Trump trở thành biểu tượng của một chủ nghĩa quốc tế mới, chủ nghĩa dân túy. Và Trump đã thể hiện điều đó một cách hoàn hảo”, bà Nadia Urbinati nói thêm.

Hạc Hiên
Theo CNBC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục