Các nhà đầu tư vẫn lo ngại về làn sóng rút tiền gửi hàng loạt tại Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các biện pháp cứu cánh cho First Republic Bank và Credit Suisse đã thúc đẩy đà hồi phục trước khi cổ phiếu tiếp tục rơi tự do do vẫn còn nghi ngờ rằng liệu những động thái này có thể giữ chân người gửi tiền trong thời gian dài.
Các nhà đầu tư vẫn lo ngại về làn sóng rút tiền gửi hàng loạt tại Mỹ

First Republic Bank đang nhận được 30 tỷ USD tiền gửi từ các ngân hàng lớn trong khu vực sau khi nhận được 70 tỷ USD thanh khoản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và JPMorgan vào cuối tuần qua. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương của Thụy Sĩ đã bơm 54 tỷ USD thanh khoản cho Credit Suisse.

Về phần mình, Fed đã cho các ngân hàng vay 165 tỷ USD trong tuần từ ngày 9/3 tới 15/3 thông qua kênh chiết khấu và chương trình cho vay khẩn cấp mới được tạo ra sau sự sụp đổ của SVB.

Nhưng bất chấp hàng trăm tỷ đô la viện trợ, cổ phiếu ngân hàng vẫn bị bán tháo.

Chiến lược gia Jamie Cox của Harris Financial Group cảnh báo rằng không nên dựa quá nhiều vào cổ phiếu ngân hàng như một chỉ báo về niềm tin tổng thể, và các biện pháp cứu cánh được thiết kế để bảo vệ người gửi tiền chứ không phải cổ đông.

“Chính phủ đã mua thêm thời gian để các ngân hàng chứng minh rằng họ sẽ không ngừng hoạt động”, ông cho biết.

Hôm thứ Sáu (17/3), Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết rằng, dòng tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực đã ổn định trong tuần qua. Và First Republic Bank đã báo cáo dòng tiền gửi bị rút ra đang chậm lại.

Nhưng Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã thừa nhận trước Quốc hội rằng, không giống như SVB và Signature Bank, không phải tất cả các khoản tiền gửi vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ được đảm bảo trong tương lai.

Đó là một phần của vấn đề, bởi vì các nhà quản lý tuyên bố SVB và Signature Bank có tầm quan trọng hệ thống và đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi của họ. Nhưng theo cựu Chủ tịch FDIC Sheila Bair, những ngân hàng khác và khách hàng của họ không khỏi băn khoăn liệu họ có nhận được sự đối xử tương tự hay không.

"Nó tạo ra sự không chắc chắn và những người không nhận được gói cứu trợ phải chịu nhiều áp lực hơn. Những gì chúng ta đang thấy với First Republic Bank là những món tiền gửi không được bảo hiểm là không chắc chắn”, cựu Chủ tịch FDIC Sheila Bair cho biết.

Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, thì các cơ quan quản lý nên xin phép Quốc hội để đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi vượt quá giới hạn 250.000 USD trên toàn hệ thống ngân hàng nước Mỹ.

Trong trường hợp của Credit Suisse, những người gửi tiền đã bỏ chạy từ rất lâu trước khi SVB phá sản. Năm ngoái, tiền gửi tại ngân hàng đã giảm hơn 150 tỷ USD và chỉ trong quý IV là khoảng 100 tỷ USD.

Chiếc phao cứu sinh từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ có thể không đủ để trấn an những khách hàng khó tính.

Frédérique Carrier, chiến lược gia của RBC Wealth Management cho biết: “Liệu những người gửi tiền có đủ yên tâm để không rút tiền trong vài ngày tới hay không là một câu hỏi quan trọng”.

Theo các báo cáo, việc sáp nhập ngân hàng có thể giúp ích và UBS đang đàm phán để mua lại tất cả hoặc một phần của Credit Suisse. First Republic Bank cũng được cho là đang cân nhắc các lựa chọn, bao gồm cả việc bán ngân hàng.

Theo chiến lược gia Quincy Krosby của LPL Financial, việc tiếp quản sẽ không nhất thiết báo hiệu tin xấu cho ngành ngân hàng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục