Các nhà đầu tư Mỹ đang để mắt đến lạm phát, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm do yếu tố mùa vụ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi chứng khoán Mỹ trải qua giai đoạn căng thẳng theo yếu tố mùa vụ, các nhà đầu tư đang dự đoán trước một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoán từ gói kích thích lớn của chính phủ đến lạm phát.
Các nhà đầu tư Mỹ đang để mắt đến lạm phát, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm do yếu tố mùa vụ

Mặc dù chứng khoán Mỹ vẫn ở gần mức cao nhất mọi thời đại, nhưng một số nhóm ngành đã có một khởi đầu không thuận lợi trong tháng này. Chỉ số Nasdaq Composite mà cổ phiếu công nghệ chiếm phần lớn đã giảm hơn 2% trong tháng 5, trong khi chỉ số Dow Jones lại tăng lên mức kỷ lục vào thứ Năm (6/5).

Dữ liệu gần đây cũng đưa ra một bức tranh hỗn hợp về những gì các nhà đầu tư dự đoán ở phía trước.

Theo dữ liệu từ BofA Global Research cho thấy, trong khi các nhà đầu tư cá nhân Mỹ đã mua ròng cổ phiếu trong 10 tuần liên tiếp, thì các quỹ đầu cơ lại bán ra với mức trung bình 4 tuần bán ròng cổ phiếu của các quỹ đầu cơ đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Deepak Puri, Giám đốc đầu tư khu vực Châu Mỹ tại Deutsche Bank Wealth Management cho biết: “Rất nhiều tin tốt đã được phản ánh vào giá”.

Mặc dù các nhà đầu tư có thể không thực sự hành động theo câu ngạn ngữ “Sell in May, go away”, nhưng 6 tháng tới có thể sẽ là thời gian thử thách hơn đối với chứng khoán.

Theo chiến lược gia đầu tư Sam Stovall tại CFRA, kể từ năm 1946, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 1,6% từ tháng 5 đến tháng 10 so với mức tăng trung bình 6,8% trong khoảng thời gian sáu tháng còn lại trong năm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 - một thước đo được theo dõi chặt chẽ về lạm phát sẽ được công bố vào thứ Tư (12/5) sẽ là một tiêu điểm khác của thị trường.

Một số nhà đầu tư đã trở nên hoài nghi về sự đảm bảo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng bất kỳ lạm phát nào do các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ sẽ chỉ là tạm thời, nhưng giá tất cả mọi hàng hoá từ nguyên liệu thô cho đến bất động sản đều đang tăng mạnh.

Các chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự biến động trong ngắn hạn về lạm phát khi quá trình khởi động lại kinh tế diễn ra và tin rằng thị trường đánh giá thấp tiềm năng gây áp lực giá trong trung hạn”.

Lạm phát cao mang đến nguy cơ thu hẹp chính sách hỗ trợ tiền tệ sớm hơn dự kiến ​​của các ngân hàng trung ương và đồng thời có khả năng làm thu hẹp tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp và đe dọa làm xói mòn sức mua của các trái phiếu có thời hạn dài hơn.

Các nhà phân tích tại Societe Generale cho biết, những lo lắng về lạm phát gia tăng đang đè nặng lên các cổ phiếu tăng trưởng cao của thị trường.

Societe Generale cho biết trong một báo cáo gần đây: “Nỗi sợ lạm phát có thể thấy rõ trên thị trường chứng khoán khi các cổ phiếu tăng trưởng cao đang thực sự kém hiệu quả vì kỳ vọng lãi suất cao hơn”.

Mặt khác, Viện Đầu tư Wells Fargo kỳ vọng, sự tiếp tục của đà tăng mạnh mẽ ở các cổ phiếu theo chu kỳ vì cổ phiếu của các công ty tài chính, công nghiệp và các công ty khác có thể hưởng lợi nhiều nhất từ ​​sự phục hồi kinh tế, đây cũng là những nhóm cổ phiếu đã giúp thúc đẩy thị trường kể từ cuối năm ngoái.

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ. Với sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập dự kiến ​​trong sáu đến 12 tháng tới, chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu”, Chris Haverland, chiến lược gia cổ phiếu của Wells Fargo cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục