Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang tăng cường hơn nữa công tác thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro. Ông có bình luận gì về việc này?
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro là phù hợp với thông lệ quốc tế đang được các ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng, trong đó có Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Ngân hàng Trung ương Singapore, Ngân hàng Trung ương Hồng Kông, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Cơ quan Giám sát tài chính Anh Quốc, Ngân hàng Trung ương Australia và nhiều ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới khác.
Nhiều ngân hàng trung ương đang tăng cường hoạt động thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro, cùng với đó, thực hiện song song phương pháp truyền thống và phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro trong một vài năm, sau đó chuyển hẳn từ phương pháp truyền thống sang phương pháp thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro.
Quá trình chuyển đổi cho phép các ngân hàng có đủ thời gian cần thiết để xây dựng hệ thống cũng như các phương thức kiểm soát và quản trị để đáp ứng các yêu cầu của phương pháp thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro.
Ông Nirukt Sapru
Theo ông, ưu điểm của phương pháp thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro so với phương pháp thanh tra dựa trên tuân thủ là gì?
Phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro được thực hiện như một quy trình hệ thống giúp phát hiện các rủi ro trọng yếu nhất mà một ngân hàng có thể gặp phải và những rủi ro mang tính hệ thống trong hệ thống tài chính. Quá trình thanh tra trên cơ sở rủi ro bao gồm việc đánh giá công tác quản lý rủi ro của một ngân hàng và khả năng ứng phó của ngân hàng trước các khủng hoảng tài chính, thông qua việc rà soát tập trung của cơ quan giám sát.
Quy trình thanh tra trên cơ sở rủi ro chú trọng vào các rủi ro ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, tìm ra các vấn đề khi chúng mới manh mún, hỗ trợ việc can thiệp và khắc phục một cách kịp thời và nhanh chóng.
Đây là sự chuyển đổi từ phương pháp dựa trên cơ sở tuân thủ và xem xét các giao dịch được áp dụng trước đây, được gọi là CAMELS - phương pháp này xem xét các vấn đề tại thời điểm đánh giá một ngân hàng hoặc một định chế tài chính.
Để đạt được mục tiêu thực hiện các biện pháp giám sát một cách liên tục và có các biện pháp khắc phục kịp thời, quy trình thanh tra trên cơ sở rủi ro cần tập trung vào các khía cạnh sau:
Liên tục thu thập dữ liệu tài chính và phi tài chính từ các ngân hàng nhằm giúp cơ quan quản lý thực hiện việc phân tích dữ liệu thô một cách độc lập thông qua việc giám sát từ xa.
Thực hiện các cuộc kiểm tra tại chỗ thường xuyên và toàn diện, tập trung vào đánh giá rủi ro và môi trường quản lý rủi ro trong ngân hàng. Quy trình kiểm tra toàn diện được xây dựng để cơ quan giám sát đưa ra cái nhìn khách quan về khả năng xảy ra các sự cố và ảnh hưởng của các sự cố đó lên hệ thống kiểm soát hiện tại của ngân hàng.
Cơ quan giám sát thực hiện các cuộc kiểm tra theo chủ đề và có chủ đích, thông qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, đánh giá tác động của các rủi ro có tính hệ thống đối với ngân hàng và giải pháp của các ngân hàng nhằm giải quyết các lĩnh vực có rủi ro cao.
Tăng trách nhiệm hơn nữa vào bộ phận kiểm toán và tuân thủ của ngân hàng nhằm cung cấp sự đảm bảo cho cơ quan giám sát và phân bổ nguồn lực đến các lĩnh vực có rủi ro cao một cách hợp lý.
Sử dụng phương án bổ sung vốn dựa trên việc đánh giá khả năng và các tác động của những sự cố nhằm khuyến khích các ngân hàng tăng cường cải thiện môi trường kiểm soát.
Tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan giám sát và ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp và sự minh bạch, tính chính xác của những thông tin mà ban lãnh đạo dựa vào đó để đưa ra các quyết định.
Quy trình thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro tập trung mạnh mẽ vào việc giám sát từ xa. Việc này yêu cầu nguồn dữ liệu rất lớn và các ngân hàng cần thường xuyên cung cấp dữ liệu cho đơn vị giám sát một cách thông suốt và chủ động.
Ông có gợi ý gì cho các ngân hàng Việt Nam khi thời gian tới, hoạt động thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro sẽ được đẩy mạnh hơn?
Thứ nhất, cần cải thiện cơ sở dữ liệu. Theo đó, phải định nghĩa thông tin một cách nhất quán; Quy chiếu các trường thông tin với các hệ thống nguồn; Cần có quy trình đánh giá tính hợp lệ của dữ liệu cung cấp cho cơ quan quản lý và cơ quan giám sát; Tra soát dữ liệu phục vụ hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro với các báo cáo tài chính và các báo cáo khác theo quy định; Thiết lập sự tự động thông suốt từ dữ liệu hệ thống nguồn đến bộ phận giám sát và kết nối với hệ thống dữ liệu tài chính (ADF).
Thứ hai, về khuôn khổ kiểm soát: Xây dựng khung tuân thủ và đơn vị kiểm tra việc tuân thủ; Rà soát các lĩnh vực rủi ro cao và theo dõi kế hoạch hành động theo quy định; Xây dựng lại kế hoạch và mục tiêu kiểm toán nội bộ và kiểm toán đồng thời; Đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán nội bộ và kiểm toán đồng thời; Đưa các chương trình kiểm soát hoạt động vào hệ thống công nghệ thông tin và trở thành một phần của hoạt động kiểm toán
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý rủi ro. Cụ thể, quy trình đánh giá đảm bảo an toàn vốn nội bộ (ICAAP) tuân thủ theo mục tiêu của quy trình đánh giá và rà soát mang tính giám sát (SREP); Định lượng và tổng hợp các rủi ro trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp; Lên kế hoạch và phân bổ nguồn vốn và nguồn thanh khoản, bao gồm kế hoạch dự phòng; Liên tục đánh giá sự phù hợp của các mô hình rủi ro nhằm đảm bảo tính hiệu quả của việc định lượng các rủi ro; Áp dụng các biện pháp kiểm tra độ ổn định của hệ thống và đánh giá các tác động.
Thứ tư, cải thiện quản trị, bao gồm: Đưa ra một bản tổng hợp nhiều cấp độ về các rủi ro, dữ liệu, các chỉ số và ý nghĩa của chúng; Sử dụng các mô hình rủi ro trong quá trình đưa ra các quyết định kinh doanh; Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản trị và giám sát, bao gồm việc quản lý các xung đột lợi ích; Liên tục theo dõi các yếu tố mang tính định tính và thể hiện văn hóa quản lý rủi ro; Đảm bảo rằng lượng vốn sau khi tính toán mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận đủ để xử lý các rủi ro của toàn bộ tổ chức.