Vừa thừa vừa thiếu
Đó là nhìn xét chung của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Chất lượng nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng” diễn ra mới đây.
Theo TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, mỗi năm, Việt Nam thừa hơn 33.000 cử nhân tài chính - ngân hàng. Trong khi đó, thống kê ước tính giai đoạn 2013 - 2016, số lao động trong ngành tài chính ngân hàng tăng bình quân 23.000 người/năm, tương ứng mức tăng 8,5%/năm.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 6 năm nay, cả nước có hơn 400.000 người đang làm việc trong lĩnh vực này, trong đó chiếm chủ yếu là khối ngân hàng với hơn 283.000 người, chiếm gần 70%, khối công ty chứng khoán chiếm hơn 20% và còn lại khoảng 10% trong khối bảo hiểm.
Nguồn cung nhân lực dư thừa là thế, song theo ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trung tâm đào tạo ngân hàng BIDV, nhân sự mới được tuyển dụng hầu như chưa đáp ứng được công việc ngay, mà phải đào tạo lại. Bởi có hơn 40% nhân sự không được đào tạo đúng chuyên ngành.
"Việc đào tạo nguồn nhân lực ngành tài chính chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Vì vậy, những vị trí quan trọng, chủ chốt tại một số định chế tài chính của Việt Nam hiện nay hầu như là người nước ngoài, nhiều nhất là đến từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia"
- TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán
Việt Nam.
Cũng theo ông Lực, đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo cấp trung và cấp cao của các ngân hàng hiện đang rất thiếu. Đặc biệt ở một số lĩnh vực chuyên sâu như: chiến lược phát triển, quản lý rủi ro, phân tích kinh doanh… nhân sự trong nước không đáp ứng được, buộc một số ngân hàng và định chế tài chính phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Khẳng định tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực mang tính đặc thù, đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng chuyên môn cao, đặc biệt khi tới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đưa vào hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh, ông Sơn cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành tài chính chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Vì vậy, những vị trí quan trọng, chủ chốt tại một số định chế tài chính của Việt Nam hiện nay hầu như là người nước ngoài, nhiều nhất là đến từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Bởi ngoài lợi thế ngôn ngữ, coi trọng trách nhiệm với công việc thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp được họ đặt lên hàng đầu. Trong khi tại Việt Nam, số lượng người có thể đáp ứng tốt những tiêu chí trên không nhiều.
Bổ sung thêm về hạn chế của nguồn nhân lực trong nước, ông Lực nhận xét, hiện năng suất lao động trong ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam là tương đối thấp, chỉ ngang với Lào và thấp hơn mức trung bình của khu vực. Khả năng sử dụng tiếng Anh của lao động Việt Nam chỉ đạt mức trung bình thấp so với khu vực ASEAN. Điều đáng suy nghĩ là người lao động Việt còn thiếu kỹ năng làm việc chuyên nghiệp để có thể ứng phó, xử lý những tình huống phức tạp trong công việc.
Giảm lý thuyết, tăng thực tiễn
Phân tích nguyên nhân chất lượng nhân sự tài chính vừa thừa vừa thiếu, vừa yếu, TS. Sơn cho rằng, hiện có quá nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng, nhưng thiếu tính liên kết giữa các trường, cũng như giữa các khoa. Chưa kể, mỗi một cơ sở đào tạo lại có hệ thống giáo trình, chương trình đào tạo khác nhau nên kiến thức giảng dạy vì thế chưa được đồng bộ.
Mặt khác, việc giảng dạy kiến thức tại các trường còn nặng về lý thuyết và chậm cập nhật những diễn biến hoặc xu thế của thị trường vào hệ thống giáo trình. Điều này đòi hỏi không ai khác ngoài đội ngũ giảng viên trong việc chủ động cập nhật thông tin, đưa ra những ví dụ sát với thực tiễn trong mỗi bài giảng đem đến nhiều kiến thức bổ ích cho sinh viên. Riêng trong hoạt động nghiên cứu, cần có cơ chế khuyến khích người làm công tác giảng dạy chủ động thực hiện những đề án nghiên cứu gắn với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hiện nay hệ thống đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư đúng mức, trừ một số ngân hàng lớn thì hầu như ít có doanh nghiệp nào chú trọng đến đào tạo cán bộ. Trên thực tế, thị trường tài chính luôn biến động vì thế cứ sau 3 - 5 năm, nguồn nhân lực trong lĩnh vực cần phải được đào tạo lại để có những đánh giá và thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo các chuyên gia, cần sự phối hợp của bốn bên: nhà trường, nhà quản lý, nhà tuyển dụng và cả bản thân người lao động. Trong đó,vấn đề thay đổi tư duy được xem là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, cần có một cái nhìn sâu hơn về cơ hội và thách thức từ hội nhập, thị trường và đối tác, đồng thời xây dựng một tác phong làm việc chuyên nghiệp và trang bị kỹ năng bổ trợ như thu thập khai thác và phân tích thông tin cùng một thái độ cởi mở cầu thị, sẵn sàng học hỏi và chia sẻ là những điều cần thiết để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.