Hôm thứ Tư (13/7), Ngân hàng Trung ương của Canada đã tăng lãi suất 100 điểm cơ bản sau hai lần tăng 50 điểm cơ bản, Hàn Quốc cũng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sau những lần tăng 25 điểm cơ bản và New Zealand cũng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp thứ ba liên tiếp.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Chile tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, Ngân hàng Trung ương Singapore cũng bất ngờ thắt chặt chính sách vào thứ Năm (14/7) và Ngân hàng Trung ương Philippines ngay sau đó cũng gây bất ngờ với động thái tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Tại Mỹ, một báo cáo lạm phát tăng mạnh khác đã dẫn đến kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng 100 điểm cơ bản vào cuộc họp cuối tháng này sau động thái tăng lãi suất lớn hơn bình thường vào tháng 6. Các nhà đầu tư cho rằng, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể đưa ra mức tăng 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tiếp theo, gấp đôi tốc độ trước đó sau khi nền kinh tế Anh chứng tỏ sự mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên vào tháng 5.
Bị lu mờ bởi giá tiêu dùng thấp trong hai thập kỷ, các ngân hàng trung đã cho rằng áp lực chi phí nổi lên vào năm 2021 sẽ sớm tan biến. Nhưng những khó khăn trong chuỗi cung ứng tỏ ra lâu dài hơn và giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt sau xung đột Nga-Ukraine đã dứt khoát loại bỏ các quan điểm về lạm phát chỉ là tạm thời.
Đó là tốc độ tăng lãi suất mà không có ngân hàng trung ương nào dự báo được trong vài tháng trước và nó có thể sẽ tạo ra một cú sốc tăng trưởng làm tăng nguy cơ suy thoái. Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố rõ ràng rằng, không kiểm soát được lạm phát sẽ là một sai lầm lớn hơn việc lạm dụng thắt chặt tiền tệ. BoE và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có quan điểm tương tự.
Các chiến lược gia lãi suất Richard McGuire và Lyn Graham-Taylor của Rabobank cho biết: “Các ngân hàng trung ương sẽ cân nhắc xem xét bằng chứng về sự tăng trưởng chậm lại cho đến khi họ tin rằng lạm phát đang bị buộc trở lại bình thường. Chúng tôi tiếp tục tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng ngăn chặn việc gây ra suy thoái nếu đó là mức độ mà họ cần phải thay đổi đường cầu để đạt được mục tiêu này”.
Trong một thế giới mà nhiều ngân hàng trung ương đang bắt kịp tốc độ tăng lãi suất, những nền kinh tế chậm tăng lãi suất hơn đang chịu thiệt hại bởi tỷ giá hối đoái yếu hơn - một động lực chỉ làm lạm phát tồi tệ hơn, bằng cách làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn.
ECB vẫn chưa bắt đầu tăng lãi suất và đồng euro đã giảm xuống dưới 1 đô la lần đầu tiên kể từ năm 2002 vào thứ Tư (13/7) sau khi một báo cáo cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng lên 9,1% vào tháng 6 và điều này thúc đẩy kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 26/7 và 27/7.
Đồng euro sau đó đã tăng trở lại sau khi người phát ngôn của ECB cho biết, ngân hàng trung ương đang chú ý đến tác động của tỷ giá hối đoái đối với lạm phát - một minh họa cho áp lực cạnh tranh mà một số người gọi là cuộc chiến tranh tiền tệ đảo ngược.
“Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ kiểm soát được giá cả. Điều đó sẽ không xảy ra đủ sớm để cứu các hộ gia đình khỏi một cú đánh lớn vào ngân sách của họ và các ngân hàng trung ương khó tránh khỏi một cú đánh lớn vào uy tín của họ”, Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng Bloomberg Economics cho biết.