Các ngân hàng trung ương ở châu Á chi hàng tỷ đô la để giữ đồng nội tệ ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều năm xây dựng dự trữ ngoại hối, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang khai thác công cụ này để củng cố đồng nội tệ đang suy yếu so với đồng đô la Mỹ.
Các ngân hàng trung ương ở châu Á chi hàng tỷ đô la để giữ đồng nội tệ ổn định

Theo dữ liệu được công bố vào cuối tuần trước, dự trữ ngoại hối của Thái Lan đã giảm xuống còn 221,4 tỷ USD vào ngày 17/6, đó là mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Số liệu hàng tháng cho thấy dự trữ ngoại hối của Indonesia cũng đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Dự trữ ở Hàn Quốc và Ấn Độ đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Malaysia đã giảm nhiều nhất kể từ năm 2015.

Rajeev De Mello, nhà quản lý danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại GAMA Asset Management cho biết: “Một số quốc gia có thể đã sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định tiền tệ khi các động thái là quá mức. Họ biết rằng, họ không thể đảo ngược sự suy yếu của đồng tiền của họ so với đồng đô la, nhưng họ có thể làm dịu sự sụt giảm”.

Dự trữ ngoại hối sụt giảm ở các quốc gia châu Á

Dự trữ ngoại hối sụt giảm ở các quốc gia châu Á

Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các ngân hàng trung ương đã tích lũy đô la để giúp bảo vệ đồng nội tệ trong thời kỳ thị trường biến động mạnh.

Năm nay, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đẩy mạnh đồng đô la Mỹ thông qua việc tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương đã đảo ngược động thái mua vào dự trữ ngoại hối. Thái Lan và Indonesia là một trong số những nước đã cam kết giảm biến động đồng tiền của họ. Ngân hàng trung ương Philippines cho biết, họ đang để thị trường xác định giá trị của đồng peso so với đồng đô la và chỉ can thiệp để hạn chế sự biến động.

Các đồng tiền châu Á mới nổi có lợi suất cao có thể sẽ tiếp tục quay cuồng với tình hình tài chính bên ngoài đang xấu đi và tâm lý e ngại rủi ro sẽ gia tăng do các động thái thắt chặt của Fed. Fed đã báo hiệu một đợt tăng lãi suất khác trong tháng 7 với các nhà giao dịch định giá mức tăng 75 điểm cơ bản.

Hiện các đồng tiền trong khu vực đang dao động ở mức thấp nhất trong nhiều năm: đồng peso của Philippines hôm 27/6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005, trong khi đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tuần trước.

Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings cho biết: “Các ngân hàng trung ương ở châu Á có xu hướng nương theo chiều gió, sử dụng các biện pháp can thiệp ngoại hối để điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách suôn sẻ. Một sự đảo ngược xu hướng đòi hỏi nhiều hơn nữa vì một đợt giảm giá mạnh hơn đối với đồng đô la Mỹ có thể chỉ bắt đầu được thiết lập khi các nhà đầu tư có thể hiểu rõ ràng hơn về sự kết thúc của chu kỳ thắt chặt của Fed”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục