Tháng 2 đã ghi nhận 6 đợt tăng lãi suất trong 6 cuộc họp của các ngân hàng trung ương của 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu (G10).
Các nhà hoạch định chính sách ở Úc, Thụy Điển, New Zealand và Anh đã cùng với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản lên tổng cộng 250 điểm cơ bản. Tất cả các ngân hàng trung ương đều dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
|
10 nền kinh tế lớn đã tăng lãi suất 6 lần tương ứng 250 điểm cơ bản trong tháng 2 |
Trong khi đó, tháng 1 chỉ ghi nhận một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản từ ngân hàng trung ương Canada trong ba cuộc họp của các ngân hàng trung ương G10.
"Sự kết hợp giữa tăng trưởng mạnh hơn dự kiến và các chỉ số lạm phát dai dẳng hơn dự kiến đã thúc đẩy sự thay đổi đột ngột trong tháng qua, từ hạ cánh mềm và hướng tới chu kỳ thắt chặt kéo dài hơn của các ngân hàng trung ương lớn”, chiến lược gia Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan cho biết.
Dữ liệu lạm phát và lao động gần đây từ một số nền kinh tế hàng đầu thế giới đã khiến thị trường ngạc nhiên và khiến các nhà phân tích nâng cao kỳ vọng về mức lãi suất cao nhất của Fed và ECB. Các thị trường hiện đang định giá lãi suất của ECB sẽ đạt mức cao nhất trên 4%, trong khi lãi suất của Fed được cho sẽ lên mức 5,5 - 5,75%.
Tại các thị trường mới nổi, động thái tăng lãi suất đang cho thấy một số dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, 13 trong số 18 ngân hàng trung ương trong mẫu của Reuters về các nền kinh tế đang phát triển đã họp để quyết định về việc thay đổi lãi suất, nhưng chỉ có 4 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất tổng cộng 175 điểm bao gồm Mexico, Israel, Philippines và Ấn Độ. Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sau trận động đất kinh hoàng.
|
Các nền kinh tế mới nổi đã tăng lãi suất 4 lần trong tháng 2 |
Động thái tăng lãi suất chậm hơn trong tháng 2 diễn ra sau khi 6 trong số 18 ngân hàng trung ương đã đưa ra mức tăng lãi suất tổng cộng 225 điểm cơ bản trong tháng 1, trong khi 6 ngân hàng khác quyết định giữ nguyên lãi suất.
Nhà kinh tế Gabriel Sterne tại Oxford Economics cho biết: “Cú sốc lạm phát này đến với tất cả mọi người nhưng nó có thể biến mất ở các mức độ khác nhau. Xu hướng giảm lạm phát đang có vẻ tốt một cách đáng ngạc nhiên ở châu Á khi lạm phát dịch vụ đã có sự cải thiện”.