Các Ngân hàng Trung ương đặt cược các nền kinh tế sẽ không chịu ảnh hưởng bởi biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các Ngân hàng Trung ương hàng đầu đã thực hiện các cuộc họp chính sách trong tuần này và quyết định rằng, Covid-19 không còn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế mà lạm phát hiện mới là mối đe dọa lớn hơn.
Các Ngân hàng Trung ương đặt cược các nền kinh tế sẽ không chịu ảnh hưởng bởi biến thể Omicron

Trong gần hai năm, thách thức chính đối với các cơ quan quản lý tiền tệ là dự đoán nơi có thể xảy ra đợt đại dịch tiếp theo và tác động của nó lên tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Nhưng trong vài ngày qua, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đã xoay trục với tốc độ khác nhau và hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Các nhà hoạch định chính sách hiện đang xem việc kiềm chế giá cả tăng cao là ưu tiên cao hơn là bảo vệ tăng trưởng kinh tế và việc làm khỏi hậu quả của đại dịch.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 16/12 đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong G7 tăng lãi suất kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hôm 15/12 cũng cho biết sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu và báo hiệu ba đợt tăng lãi suất trong năm tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang giảm bớt các biện pháp kích thích khẩn cấp.

Đằng sau sự thay đổi này là một đánh giá rằng, trong khi đại dịch Covid-19 sẽ không biến mất, các nước phương Tây đang tìm cách sống chung với nó và tác động lên nền kinh tế của mỗi đột biến virus sẽ nhỏ hơn so với trước đó.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết hôm 16/12: “Nhiều người đã được chủng ngừa và các chiến dịch tăng cường đã được đẩy nhanh. Xã hội đã trở nên tốt hơn trong việc đối phó với các làn sóng đại dịch và những biện pháp hạn chế. Điều này đã làm giảm bớt tác động của đại dịch đối với nền kinh tế”.

Hơn nữa, khi các ngân hàng trung ương đã hiểu thêm về đại dịch, họ đã có một cái nhìn khác về cách các đợt bùng phát virus mới tác động đến nền kinh tế.

Đầu cuộc khủng hoảng, các biện pháp đóng cửa nền kinh tế như một biện pháp làm ảnh hưởng tới nhu cầu của người tiêu dùng - điều mà chính sách tiền tệ dễ dàng có thể giúp hỗ trợ trong thời gian sau đó. Giờ đây, các quan chức cũng lo lắng về cách thức này sẽ kìm hãm nguồn cung và vận chuyển hàng hóa khiến giá cả tăng lên và củng cố trường hợp lãi suất cao hơn.

Sanjay Raja, nhà kinh tế tại Deutsche Bank ở London cho biết: “Các khuôn khổ kinh tế trước đây là về những gì sẽ xảy ra đối với tăng trưởng nhu cầu. Bây giờ là về cú đánh theo nhu cầu so với cú đánh vào nguồn cung. Đó là thay đổi phép tính”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng trung ương đều thay đổi chính sách. Vào thứ Sáu (17/12), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo họ sẽ chỉ rút viện trợ đại dịch một cách dần dần. BOJ đã gia hạn hỗ trợ khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn thêm 6 tháng.

Từ sự tàn phá mà biến thể omicron đã gây ra có rất nhiều rủi ro từ việc thay đổi chính sách. Đặc biệt là ở châu Âu, các chính phủ đang áp dụng lại một số biện pháp hạn chế đã dỡ bỏ hồi đầu năm sau khi số ca nhiễm tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong các cuộc họp báo tuần này, các ngân hàng trung ương đã nói rõ rằng, họ thấy rủi ro của Covid -19 đang giảm dần trong khi khả năng chịu áp lực giá của họ đã hết.

Hôm thứ Tư (15/12), Chủ tịch Jerome Powell đã bác bỏ một đề xuất rằng, Fed nên kiềm chế thực hiện giảm dần chương trình mua tài sản cho tới tháng 3 vì mối đe dọa virus mới nhất. “Omicron thực sự không liên quan nhiều đến điều đó”, ông cho biết.

Ông Powell thừa nhận rằng, có rất nhiều điều chưa biết xung quanh biến thể mới và chỉ ra rằng, làn sóng lây nhiễm trên toàn thế giới sẽ làm tổn hại đến cung của các nền kinh tế cũng như hạn chế nhu cầu.

“Biến thể Delta có tác động làm chậm việc tuyển dụng, nhưng cũng làm tổn hại đến quá trình hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông cho biết.

Những gián đoạn đó cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh do chi tiêu của chính phủ để bảo vệ các hộ gia đình trong đại dịch là nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm ở các nền kinh tế phương Tây.

Các ngân hàng trung ương hiện đang đánh cược rằng, chính những làn sóng virus mới - hoặc ít nhất là tác động kinh tế của chúng - sẽ chỉ là tạm thời.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục