20 Ngân hàng Trung ương lớn họp chính sách trong tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới đang phân hóa về chính sách tiền tệ. Sự khác biệt có vẻ sẽ rõ nét hơn vào năm 2022.
20 Ngân hàng Trung ương lớn họp chính sách trong tuần này

Sự khác biệt về chính sách tiền tệ

Sự khác biệt sẽ được hiển thị đầy đủ trong tuần này với các quyết định cuối cùng cho năm 2021 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cùng chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ ở gần một nửa nền kinh tế thế giới đưa ra.

Các ngân hàng trung ương lớn ra quyết định chính sách quan trọng trong cuộc họp cuối năm

Các ngân hàng trung ương lớn ra quyết định chính sách quan trọng trong cuộc họp cuối năm

Ngoài ra, khoảng 16 ngân hàng trung ương khác cũng sẽ gặp nhau trong tuần này bao gồm cả ở Thụy Sĩ, Na Uy, Mexico và Nga.

Yếu tố trọng yếu mới nhất là biến thể Omicron với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đối với tăng trưởng và lạm phát sẽ là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với các quan chức trong năm mới. Điều đáng lo ngại là một biến thể kháng vắc xin hơn sẽ buộc các chính phủ áp đặt các hạn chế mới đối với hoạt động kinh doanh và giữ cho người dân ở nhà.

Sự thay đổi trong chính sách luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại và sau đó phát hiện ra lạm phát chỉ là tạm thời như nhiều ngân hàng trung ương đã nói từ trước đến nay có thể làm chệch hướng phục hồi. Trong khi đó, việc chờ đợi và nhận thấy rằng áp lực giá vẫn dai dẳng có thể đòi hỏi sự thắt chặt mạnh mẽ hơn so với các biện pháp khác.

Freya Beamish, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại TS Lombard cho biết: “Khả năng sai lầm trong chính sách hiện nay lớn hơn nhiều. Triển vọng lạm phát đang bị nhầm lẫn bởi sự hiện diện của một loại virus đặc hữu”.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào thứ Tư (15/12), Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu và thị trường sẽ biết liệu Fed có rút lại chương trình mua tài sản nhanh hơn so với kế hoạch của 1 tháng trước hay không. Thậm chí, giới phân tích dự đoán, tại cuộc họp báo này, ông Powell có thể gợi ý về việc sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến ​​vào năm 2022 nếu lạm phát tiếp tục ở gần mức cao nhất trong bốn thập kỷ.

Trong khi đó, mặc dù có khả năng sẽ chấm dứt biện pháp kích thích khẩn cấp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde được cho là sẽ giữ vững lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng trong cuộc họp vào thứ Năm (16/12), bởi trước đó bà khẳng định, giá tăng cao là do các yếu tố như chi phí năng lượng, nguồn cung khó khăn và các vấn đề về thống kê. Bà Lagarde đã cho biết, không mong đợi sẽ tăng lãi suất vào năm 2023.

Tương tự, áp lực giá giảm ở Nhật Bản cũng đang cho phép Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng và tung ra một đợt chi tiêu kỷ lục khác. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ có cuộc họp vào thứ Sáu (17/12).

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey hiện đang hạ nhiệt về ý định tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương của Na Uy có thể thực hiện tăng lãi suất trở lại.

Ở một diễn biến khác, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bắt đầu nới lỏng chính sách do suy thoái thị trường bất động sản có nguy cơ làm cản trở tăng trưởng, các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil và Nga đang mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.

Sẽ tiếp tục phân hoá trong năm 2022

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ ngày càng tăng”.

“Lạm phát toàn cầu gia tăng, giá hàng hóa cao hơn và đồng tiền yếu hơn có thể sẽ đồng bộ hóa diễn biến lãi suất ở các thị trường mới nổi trong năm nay. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ có thể sẽ cung cấp một động lực toàn cầu khác để tăng lãi suất nhiều hơn trong năm tới”, Ziad Daoud, Trưởng nhóm kinh tế thị trường mới nổi của Bloomberg Economics cho biết.

Ngay cả khi con đường của lãi suất khác nhau, việc chậm lại trên diện rộng của các chương trình mua trái phiếu sẽ làm giảm sự hỗ trợ cho các nền kinh tế. Các chiến lược gia của BofA Global Research dự đoán, thanh khoản sẽ đạt đỉnh vào I/2022 và Fed, ECB, cùng BoE tất nhiên sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ xuống 18.000 tỷ USD vào cuối năm sau từ mức trên 20.000 tỷ USD vào đầu năm 2022.

Những tác động đối với sự chia rẽ trong chính sách toàn cầu cũng có thể bao gồm đồng đô la tăng so với đồng euro và đồng nhân dân tệ đang suy yếu có khả năng gây ra căng thẳng tiền tệ khi xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng. Đồng bạc xanh mạnh hơn cũng sẽ thu hút tiền khỏi các thị trường mới nổi làm suy yếu sự phục hồi đang mong manh của các nền kinh tế này.

Jerome Jean Haegeli, nhà kinh tế trưởng tại Swiss Re AG ở Zurich cho biết: “Việc Fed tăng lãi suất vào năm tới và đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ là thời điểm thử nghiệm cho các thị trường mới nổi. Các ảnh hưởng do do Covid-19 mở ra có vẻ dai dẳng hơn”.

Tại Fed, một quyết định được dự đoán rộng rãi là kết thúc việc mua trái phiếu của họ nhanh chóng hơn có thể khiến Fed có thể tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng 3, nếu các quan chức cho rằng điều đó là cần thiết để ngăn chặn lạm phát gia tăng.

Cuối cùng, mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ đóng một vai trò rất lớn trong câu chuyện chính sách tiền tệ trong năm tới.

Nhà kinh tế học Sian Fenner của Oxford Economics cho biết: “Nếu biến thể này làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thì nó có thể chứng minh là không ổn định”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục