Các ngân hàng trung ương cắt giảm hoạt động giao dịch đô la với Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong một tuyên bố chung hôm thứ Ba (25/4), các ngân hàng trung ương hàng đầu cho biết, sẽ giảm tần suất giao dịch đồng đô la với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ ngày 1/5 sau khi biến động trên thị trường tài chính giảm bớt.
Các ngân hàng trung ương cắt giảm hoạt động giao dịch đô la với Fed

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã tiến hành các giao dịch hoán đổi đô la hàng ngày với Fed trong tháng qua, nhưng sẽ trở lại giao dịch hàng tuần kể từ ngày 1/5 do các điều kiện tài trợ bằng đô la đã được cải thiện.

“Trước những cải thiện về điều kiện cấp vốn bằng đô la và nhu cầu thấp đối với các hoạt động cung cấp thanh khoản bằng đô la gần đây, BoE, BOJ, ECB và SNB đã tham khảo ý kiến của Fed và cùng nhau quyết định thay đổi tần suất hoạt động từ hàng ngày thành một lần mỗi tuần”, các ngân hàng trung ương cho biết trong một tuyên bố chung.

Các gói hỗ trợ hàng ngày đã được cung cấp sau sự thất bại của Silicon Valley Bank (SVB) và việc UBS tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse đã gây ra sự lo lắng trên khắp các thị trường tài chính, làm tăng nguy cơ thiếu thanh khoản trong trường hợp niềm tin suy giảm hơn nữa.

Tuy nhiên, cơ sở hỗ trợ này hầu như không được sử dụng và lượng sử dụng chỉ bằng hoặc gần bằng 0 trong hầu hết các ngày kể từ khi cơ sở này được công bố vào ngày 19/3.

ECB cho biết rằng, họ và các ngân hàng trung ương khác nhận thấy rằng áp lực đối với nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng đã giảm xuống và các khoản tín dụng khủng hoảng gần đây không được sử dụng nhiều.

"Các ngân hàng trung ương sẵn sàng điều chỉnh lại việc cung cấp thanh khoản bằng đô la Mỹ khi được đảm bảo bởi các điều kiện thị trường", ECB cho biết trong một tuyên bố.

Cơ sở hoán đổi là công cụ để giảm bớt căng thẳng trên thị trường tài trợ toàn cầu và chúng là một đặc điểm lâu dài trong sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương hàng đầu trong hơn một thập kỷ.

Công cụ này cũng đã được sử dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tình trạng bất ổn kinh tế trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19 để giảm bớt tác động đối với việc cung cấp tín dụng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo cơ sở hoán đổi, Fed sẽ cung cấp đô la cho các ngân hàng trung ương khác để đổi lấy tiền tệ của họ. Sau đó, các ngân hàng trung ương có thể cho các ngân hàng có nhu cầu vay đô la để họ có thể tiếp tục giúp khách hàng thực hiện các giao dịch bằng đô la, loại tiền tệ chính cho thương mại toàn cầu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục