Các ngân hàng toàn cầu bao gồm Citigroup Inc, JPMorgan Chase & Co và Societe Generale (SocGen) đang phải đối mặt với áp lực cam kết duy trì vai trò ngân hàng lưu ký ở Nga, giữa lúc các đối thủ và quỹ đầu tư lo ngại rằng họ có thể mất các dịch vụ quan trọng trong hoạt động đầu tư trong tương lai ở nước này.
Các thương nhân, chủ ngân hàng và giám đốc điều hành từ ba tổ chức tài chính khác chia sẻ rằng họ đang hoặc đã thay mặt khách hàng tìm kiếm sự đảm bảo về kế hoạch dài hạn của mỗi ngân hàng đối với các hoạt động kinh doanh lưu ký tại Nga. Các ngân hàng lưu ký đều có bộ phận trông coi tài sản cho khách hàng và tính phí dịch vụ này.
Một nguồn tin ngân hàng có trụ sở tại London (Anh) cho biết họ đã liên lạc hàng tuần với các nhà điều hành cấp cao của Citibank Moskva về tình hình kinh doanh lưu ký của họ.
Nguồn tin cho biết khách hàng của họ đang chờ được giao dịch cổ phiếu Nga khi Sở giao dịch Moskva (MOEX) mở cửa trở lại, nhưng họ cần đảm bảo việc có các ngân hàng lưu ký phương Tây tại chỗ.
Theo nguồn tin, các quản lý cấp cao của Citigroup cho biết họ sẽ phục vụ khách hàng sao cho phù hợp với các lệnh trừng phạt.
Một nhân viên ngân hàng thứ hai có trụ sở tại New York (Mỹ) cho hay, ông đã có được sự bảo đảm từ ngân hàng SocGen (Pháp) rằng họ sẽ "giữ vững lập trường" để ngân hàng của ông có thể đáp ứng các nghĩa vụ lưu ký đối với khách hàng. Nguồn tin cho biết SocGen đảm bảo rằng họ sẽ làm được điều này, ít nhất là trong thời gian tới.
JPMorgan Chase & Co cũng cung cấp các dịch vụ lưu ký tương tự từ chi nhánh ở Moscow. Ngân hàng cũng nhận được các câu hỏi về tình hình kinh doanh dịch vụ này từ các khách hàng của mình.
Trước đó, JPMorgan đã khẳng định họ sẽ tiếp tục hoạt động như một ngân hàng lưu ký cho các khách hàng.
Bank of New York Mellon Corp cũng đưa ra cam kết sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản tại Nga.
Trước đó, Citigroup và SocGen đã công bố kế hoạch cắt giảm đáng kể các hoạt động ở Moskva, như một phần của chương trình trừng phạt của phương Tây liên quan đến tình hình tại Ukraine nhằm cô lập Nga về mặt kinh tế.
Cả hai ngân hàng đều cho biết họ sẽ hỗ trợ khách hàng của mình với các hoạt động phức tạp như bán đi hoặc giảm mức tiếp xúc đối với tài sản tại Nga, đồng thời cho biết việc rút lui sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện.
Nhưng cả hai đều không đưa ra tuyên bố công khai về triển vọng các dịch vụ lưu ký của mình, điều khiến một số khách hàng lo ngại.
Nếu các ngân hàng quyết định bỏ qua dịch vụ lưu ký của họ ở Moskva, nhiều nhà đầu tư phương Tây đang nắm giữ cổ phiếu hoặc trái phiếu Nga sẽ phải tìm kiếm một ngân hàng khác để lưu ký những tài sản đó.
Những người khác muốn tận dụng các đợt tăng giá trên thị trường tài chính khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ cũng khó có thể theo đuổi kế hoạch này.
Hồi đầu tháng Ba, SocGen đã cảnh báo các bên liên quan rằng họ có thể bị tước quyền sở hữu đối với hoạt động kinh doanh của mình ở Nga trong một "kịch bản cực đoan."
Trong khi đó, Citigroup ban đầu cho biết họ sẽ hạn chế hoạt động kinh doanh ở Nga sau khi căng thẳng giữa nước này và Ukraine trở thành xung đột quân sự.
Nhưng đến ngày 14/3, họ cho biết sẽ đẩy nhanh và mở rộng phạm vi rút lui khỏi thị trường này bằng cách từ bỏ các khách hàng tổ chức và quản lý tài sản của mình ở Nga.