Tuy nhiên, nhiều ngân hàng dự báo về việc các ngân hàng nhỏ sẽ dần biến mất trong năm tới.
Với câu hỏi “Các ngân hàng có cho rằng sẽ có sự chuyển biến lớn trong thị trường ngân hàng tại đất nước trong 12 tháng tới?”, các ngân hàng Việt Nam đều dự đoán thị trường ngân hàng sẽ có một số thay đổi. Cụ thể, 60% số ngân hàng được khảo sát trông đợi sự thay đổi tin rằng, thị trường sẽ được thúc đẩy bởi các ngân hàng lớn trong nước thâu tóm ngân hàng nhỏ; 30% cho rằng, thị trường sẽ được thúc đẩy bởi các ngân hàng nước ngoài hiện chưa có mặt tại Việt Nam; và 10% cho rằng, thị trường sẽ được thúc đẩy bởi các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
“Triển vọng hợp nhất, sáp nhập thời gian tới có 2 động lực chính: Một là, những ngân hàng có khó khăn đặc biệt thì NHNN đang hướng dẫn bán lại cho các ngân hàng TMCP có vốn của nhà nước chi phối hoặc đối tác nước ngoài. Hai là, NHNN khuyến khích các ngân hàng thuộc nhóm G14 tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống bằng cách tự tìm cho mình một ngân hàng nhỏ, yếu kém để sáp nhập vào hệ thống của mình để trở thành ngân hàng mạnh hơn, chiếm lĩnh thị trường trong nước và khu vực”, ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng E&Y châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Bên cạnh đó, khi xem xét sự cạnh tranh từ nước ngoài, các ngân hàng Nhật và châu Âu được xem là mối đe dọa lớn nhất. Cụ thể, 9 trong 17 ngân hàng Việt Nam xem ngân hàng Nhật là đối thủ cạnh tranh; còn lại xem ngân hàng châu Âu là đối thủ cạnh tranh. Điều này cũng khá tương đồng với các ngân hàng của Indonesia, cũng coi các ngân hàng đến từ Nhật là đối thủ cạnh tranh chính và 33% coi ngân hàng tại các nước láng giềng và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính.
Trong khi đó, hầu hết ngân hàng Malaysia (66%) coi các ngân hàng tại các nước láng giềng mới là đối thủ cạnh tranh chính chứ không phải là các ngân hàng Nhật.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Keith Pogson nhận định, thị trường Việt Nam có rất nhiều đặc thù, nên khó có thể nói là kết quả khảo sát này giống với một thị trường nào khác. Sự khác biệt lớn nhất là, ở các thị trường khác có những ngân hàng trụ cột, nghĩa là có một số lượng rất ít ngân hàng lớn có khả năng đặt ra luật chơi. Trong khi đó, ở Việt Nam có rất nhiều ngân hàng, nhưng chưa có ngân hàng nào có tầm ảnh hưởng đối với cả thị trường.
Ông Keith Pogson cũng cho biết thêm, thị trường ngân hàng Việt Nam hiện giống như Malaysia và Indonesia nhiều năm trước ở chỗ có số lượng ngân hàng rất lớn. Cụ thể, đầu những năm 90, Malaysia có tới khoảng 45 ngân hàng, sau đó Chính phủ đã áp dụng các biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy hợp nhất, sáp nhập, nên đến nay chỉ còn 5 ngân hàng lớn nhất. Và tương tự như vậy, Indonesia nay chỉ còn khoảng 5 - 6 ngân hàng lớn.
“Việt Nam nên áp dụng luật phá sản cho các ngân hàng không hoạt động được. Cần có kỷ luật của ngành để những ngân hàng yếu kém phá sản, nhường không gian cho những ngân hàng tốt có thể tập trung phát triển. Điều này cũng giống như ở nhiều quốc gia, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “ngân hàng zombies” để chỉ những ngân hàng vẫn vật vờ tồn tại, nhưng thực sự không hoạt động được”, ông Keith Pogson nói.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần chấp nhận một số ngân hàng yếu kém sẽ bị phá sản. NHNN trước đây áp dụng nguyên tắc không để ngân hàng nào đổ vỡ. Đây là một quan điểm đúng trong thời điểm năm 2012 khi thị trường tài chính biến động mạnh. Tuy nhiên, Quốc hội vừa thông qua Luật phá sản sửa đổi vào tháng 6/2014. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ngân hàng được chấp thuận cho phá sản giống như các doanh nghiệp khác.
Đặc biệt, việc chấp nhận các ngân hàng yếu kém phá sản sẽ gửi một thông điệp rất mạnh đến các ông chủ ngân hàng. Nếu ngân hàng hoạt động không lành mạnh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận phần thiệt thòi do mất vốn. Người gửi tiền cũng sẽ suy nghĩ kỹ càng trước khi gửi tiền tại các ngân hàng yếu kém vì có khả năng mất tiền nếu ngân hàng phá sản. Chính điều này sẽ sàng lọc tự nhiên các ngân hàng mạnh và yếu.