Các ngân hàng đã dần xóa “cục máu đông” tại VAMC

(ĐTCK) Thời điểm 5 năm đã kết thúc nên các ngân hàng đang tranh thủ tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trước đó nhằm làm sạch nợ ngoại bảng.
VPBank là ngân hàng thứ 9 sạch nợ tại VAMC. VPBank là ngân hàng thứ 9 sạch nợ tại VAMC.

VPBank vừa có thông báo đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC, lợi nhuận 11 tháng đạt 9.400 tỷ đồng. Như vậy, VPBank là ngân hàng thứ 9 sạch nợ tại VAMC.

Tổng giá trị dư nợ trái phiếu được VPBank mua lại từ VAMC riêng trong năm 2019 là hơn 3.000 tỷ đồng.

Trong đó, Ngân hàng chỉ phải trích lập hơn 1.400 tỷ đồng để xử lý số dư nợ trái phiếu tại VAMC nói trên, tương đương khoảng 45%.

VPBank cho biết, xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu tại VAMC là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2019, dù điều này được ban lãnh đạo nhà băng này dự báo trước là sẽ có ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đây cũng là lý do khiến VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 ở mức khiêm tốn hơn so với các năm trước đó.

Kế hoạch xử lý rốt ráo phần trái phiếu đặc biệt này đã đưa tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả dư nợ tại VAMC của VPBank từ mức 5,73% tại quý 3/2018 giảm còn 2,84% vào cùng kỳ năm 2019, giúp ngân hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí dự phòng ở hoạt động này trong thời gian tới.

Trước đó Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, Techcombank, OCB, Kienlongbank cũng đã tất toàn bộ trái phiếu VAMC trước hạn.

Tại Nam A Bank, tính đến cuối tháng 6/2019, ngân hàng đã xử lý hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.

Đồng thời, tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt tại quỹ, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu chính phủ chiếm tỷ lệ 28% trên tổng tài sản hữu hình vào cuối năm 2018 (so với tỷ lệ 24% vào cuối năm 2017).

Tổng tài sản Nam A Bank đến hết tháng 9/2019 đạt 87.820 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm 2019.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra 800 tỷ đồng trong năm 2019, Ngân hàng đã hoàn thành. Việc kiểm soát rủi ro được Nam A Bank đặt lên hàng đầu, tỷ lệ nợ xấu luôn kiểm soát dưới 3%.

Ngày 17/12, VAMC và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước có thông báo về việc Kienlongbank đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC. Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Kienlongbank đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trước ngày 31/12/2019.

Tại thời điểm cuối năm 2018, ngân hàng này ghi nhận còn 153 tỷ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 94 tỷ đồng.

Sau khi tất toán trái phiếu VAMC, Kienlongbank sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu này kể từ ngày 1/1/2020, qua đó góp phần gia tăng lợi nhuận trong thời gian tới.

Tổng tài sản Kienlongbank đến hết tháng 9/2019 đạt 46.875 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2018; vốn huy động tăng 12,1%, đạt 42.030 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,3%, đạt 31.907 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 236 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank được kiểm soát ở mức thấp 1,62% so với tỷ lệ đầu năm nay là 1,84%.

Trong năm qua, Eximbank đã nỗ lực xử lý nợ xấu và đang tiến tới để tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây.

Lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Eximbank đã trích dự phòng được 2.100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần khoảng 1.100 tỷ đồng nữa là Ngân hàng có thể hoàn tất được kế hoạch tất toán trái phiếu VAMC. Dự kiến vào tháng 6/2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.

Nhiều ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu của VAMC như BIDV, Agribank.

Đầu năm 2019, BIDV cho biết, mục tiêu sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.

Lãnh đạo BIDV ước tính cả năm, BIDV sẽ xử lý khoảng 4.500 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó thu nợ 2.500 tỷ và trích dự phòng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nhà băng này vẫn chưa tất toán được. Vì thế, dự phòng rủi ro của BIDV vẫn tăng cao trong cả năm 2019.

Tương tự, giữa năm nay số trái phiếu đặc biệt VAMC của Agribank chỉ còn 1.013 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 7.750 tỷ đồng hồi đầu năm 2019.

Trong đó, Ngân hàng đã trích lập dự phòng hơn 1.012 tỷ đồng, tức gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục