Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa chia sẻ bài chuyên đề của ông Jonathan Dunn và ông John Nelmes được phát hành cùng với báo cáo Triển Vọng Kinh Tế Mùa Xuân 2016 do Vụ Châu Á và Thái Bình Dương, IMF biên soạn.
Các nền kinh tế Châu Á đang chèo lái trong vùng biển động, phải đối mặt với những cơn gió ngược chiều dữ dội do môi trường toàn cầu bất định và đầy thách thức. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không đồng đều và yếu hơn so với dự kiến. Thêm vào đó là thương mại toàn cầu chậm chạp và các điều kiện tài chính biến động.
Sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường quốc kinh tế toàn cầu cũng đã tạo ra những thách thức riêng của họ, do việc tái cân bằng cần thiết của Trung Quốc chuyển từ công nghiệp chế biến chế tạo sang dịch vụ, và từ đầu tư sang nền kinh tế do tiêu dùng dẫn dắt vẫn còn gập ghềnh. Sự tái cân bằng này rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả Trung Quốc và toàn cầu trong trung hạn. Như tại khu vực khác, nhiều nền kinh tế Châu Á đối mặt với những rủi ro liên quan đến thiên tai, bất ổn địa chính trị và chính trị trong nước.
Nhưng không phải tất cả đều u ám vì Châu Á vẫn là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu: Châu Á vẫn tiếp tục đóng góp gần hai phần ba tăng trưởng toàn cầu. Hơn nữa, khu vực này có các đệm chính sách như thặng dư tài khoản vãng lai, mức dự trữ quốc tế cao và có nhiều khả năng được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế hơn nữa và từ các hiệp định thương mại khu vực và đa phương, ví dụ như Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.
Tăng trưởng của châu Á chậm lại đôi chút, phù hợp với phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo về Triển Vọng Kinh tế Thế giới gần đây nhất của IMF thì hoạt động kinh tế trong khu vực giảm nhẹ trong nửa cuối của năm 2015 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tương lai gần. Tăng trưởng GDP của khu vực được dự báo ở mức 5,3 phần trăm trong cả hai năm 2016 và 2017, chỉ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2015. Ngoài việc tăng trưởng toàn cầu yếu hơn và thương mại chậm chạp thì tăng trưởng của khu vực chậm lại cũng phản ánh sự tái cân bằng đang diễn ra ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi cầu bên ngoài tương đối yếu thì cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng dự kiến sẽ vẫn sôi động ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Cầu trong nước khá mạnh là do tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung thấp, giá hàng hóa sơ chế thấp hơn (điều này có lợi đối với các nhà nhập khẩu dầu và hàng hóa sơ chế), việc kích thích kinh tế ở một số nước và xu hướng luôn diễn ra, bao gồm cả thu nhập khả dụng tăng lên đều đặn.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ giảm xuống còn khoảng 6 phần trăm vào năm 2016 từ 6¾ phần trăm trong năm 2015, chủ yếu phản ánh nhu cầu bên ngoài yếu hơn, hạn hán nghiêm trọng và đất canh tác bị xâm thực mặn đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Tăng trưởng chậm lại ở Châu Á cho thấy những sự khác biệt quan trọng giữa các nước trong khu vực. Ở Trung Quốc, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 6,5 phần trăm trong năm nay và 6,2 phần trăm trong năm 2017. Điều này phản ánh sự tái cân bằng và các cải cách cơ cấu khác đang diễn ra, mà những diễn biến này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng và khu vực dịch vụ, trong khi đầu tư và công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn tương đối yếu cho đến khi giải quyết được vấn đề công suất vượt mức.
Mặt khác, Ấn độ được dự kiến sẽ vẫn là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới với GDP tăng ở mức 7,5 phần trăm trong 2016-17 được hỗ trợ bởi sức tiêu dùng mạnh mẽ của khu vực tư nhân và giá dầu thấp. Tại Nhật Bản, tăng trưởng GDP được dự báo vẫn ở mức 0,5 phần trăm trong năm 2016, có thể giảm xuống -0,1 phần trăm vào năm 2017, khi việc tăng thuế tiêu dùng đã được biết trước rộng rãi (từ 8 lên 10 phần trăm) có hiệu lực, mặc dù dự báo này chưa tính đến các biện pháp bù đắp có thể có để hỗ trơ cho các hoạt động kinh tế. Ở Indonesia nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi giá hàng hóa sơ chế, dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng lớn.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ giảm xuống còn khoảng 6 phần trăm vào năm 2016 từ 6¾ phần trăm trong năm 2015, chủ yếu phản ánh nhu cầu bên ngoài yếu hơn, hạn hán nghiêm trọng và đất canh tác bị xâm thực mặn đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Đối với năm 2017, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên khoảng 6¼ phần trăm, được hỗ trợ một phần do đầu tư nhờ các hiệp định thương mại vừa được ký kết.
Mặc dù triển vọng kinh tế khả quan, những rủi ro làm giảm tăng trưởng vẫn chi phối nền kinh tế khu vực. Tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại hơn dự kiến hoặc các điều kiện tài chính có thể bị thắt chặt đột ngột. Do nhiều nền kinh tế trong khu vực có mức nợ tăng lên nhanh chóng trong thập kỷ qua, sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm hơn và chi phí vay cao hơn có thể làm cho một số doanh nghiệp và các hộ kinh tế gia đình gặp khó khăn và có thể kiềm chế tăng trưởng hơn nữa.
Ngoài ra, tăng trưởng của khu vực phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc hơn bao giờ hết. Trong khi tái cân bằng ở Trung Quốc là chi phí đáng giá để có được tăng trưởng lâu dài và mạnh mẽ về dài hạn thì quá trình chuyển đổi trong ngắn hạn có thể còn gập ghềnh và sự tác động đến các nước và thị trường xem ra có thể khác nhau. Các nước xuất khẩu hàng hóa để hỗ trợ đầu tư và xây dựng của Trung Quốc (ví dụ như các nhà sản xuất kim loại) sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi những nước khác xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Trung Quốc hoặc là những điểm đến của ngành du lịch Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng có thể được hưởng lợi.
Hơn nữa, việc Trung Quốc chuyển sang sản xuất giá trị gia tăng cao hơn sẽ tạo cơ hội cho các nước châu Á có thu nhập thấp, đặc biệt là tại các khu vực sử dụng nhiều lao động như quần áo, giày dép, đồ gỗ và đồ chơi bằng nhựa. Chúng ta đã thấy Bangladesh, Campuchia và Việt Nam tăng thị phần trong các lĩnh vực này.
Những mối liên kết tài chính cũng đang phát triển cùng với các thị trường khu vực trở nên nhạy cảm hơn với những cú sốc từ Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên theo thời gian, sự tái cân bằng kinh tế làm cho mô hình tăng trưởng của Trung Quốc mạnh mẽ và bền vững hơn, khu vực Châu Á có thể sẽ được hưởng lợi.
Một loạt các chính sách có thể được sử dụng để khai thác tiềm năng của Việt Nam và hỗ trợ khả năng đối phó với những cú sốc.
Củng cố ngân sách theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, với việc tập trung vào mở rộng diện nộp thuế trong khi trong khi vẫn giữ các khoản chi đầu tư công chất lượng cao cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, sẽ hỗ trợ tính bền vững về nợ, củng cố lòng tin và hỗ trợ tăng trưởng bền vững có chất lượng.
Sử dụng cơ chế tỷ giá hối đoái mới linh hoạt và củng cố các công cụ chính sách tiền tệ trong khi chuyển dần theo hướng sử dụng lạm phát như neo danh nghĩa đối với chính sách tiền tệ sẽ cho phép Việt Nam bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô trong khi giảm sốc trước các cú sốc bên ngoài.
Đẩy mạnh cải cách khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước thông qua việc cải thiện quản lý hoạt động, xử lý các khoản nợ xấu và cấp vốn bổ sung cho các ngân hàng, cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành nhanh hơn sẽ củng cố nền tảng cho sự phát triển bền vững và cao hơn trong trung hạn.