Theo đại diện Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã sẵn sàng các phương án phòng dịch khẩn cấp trong những trường hợp cần thiết.
Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các kịch bản về diễn biến dịch Covid-19 có thể xảy ra trong thời gian tới.
Kịch bản đầu tiên, biến chủng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực.
Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vắc-xin Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp diễn biến nặng và tử vong sẽ giảm.
Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức đưa Covid-19 trở thành bệnh lưu hành. Khi đó, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Chúng ta cần chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền.
Với kịch bản thứ hai, các biến chủng mới liên tục xuất hiện vẫn có khả năng xảy ra. Các biến chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến chủng đã xuất hiện hoặc biến chủng khác mới hơn. Biến chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vắc-xin, gây lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng.
Với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như từng làm như vắc-xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch.
Từ thực tế nêu trên Việt Nam đã xây dựng hai kịch bản, gồm khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành và sẵn sàng các biện pháp dự phòng, tránh bị động khi xuất hiện các tình huống, biến chủng mới sẽ kích hoạt động thái ứng phó.
Liên quan đến việc tiêm vắc-xin cho trẻ, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết đến nay, Việt Nam đã nhận được lô vắc-xin đầu tiên dành cho trẻ thuộc nhóm tuổi này từ Australia. Lô vắc-xin này đang được kiểm định chất lượng trước khi được sử dụng cho trẻ em trên cả nước.
“Dự kiến, Việt Nam triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tuần tới. Vắc-xin sẽ được tiêm cho trẻ học lớp 6 đầu tiên, sau đó tới các nhóm tuổi nhỏ hơn”, PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sử dụng 2 loại vắc-xin là Pfizer và Moderna để tiêm cho nhóm trẻ này. Các cán bộ tiêm chủng cũng được yêu cầu đề cao tinh thần cảnh giác với mọi phản ứng có thể xảy ra.
Cụ thể, vị chuyên gia khuyến cáo trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin Covid-19, gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của con, đánh giá việc ăn, ngủ, sinh hoạt có bất thường hay không, đặc biệt với nhóm 5-6 tuổi.
“Với các trường hợp lớn hơn, cha mẹ nên lưu ý các bất thường liên quan sức khỏe đường hô hấp. Nếu có vấn đề, chúng tôi sẽ có các đợt tiêm bổ sung, tiêm vét. Do đó, trẻ phải thực sự khỏe mạnh mới nên tiêm vắc-xin Covid-19”, bà Hồng nói.
Ngoài ra, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng khuyến cáo gia đình cần lưu tâm tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình đưa trẻ đi tiêm. Nếu xuất hiện một số biểu hiện liên quan hô hấp, nghi ngờ mắc Covid-19, gia đình không nên đưa trẻ đến điểm tiêm.
PGS.TS Dương Thị Hồng nói thêm, trước khi đến bàn tiêm chủng, cha mẹ phải chia sẻ hết thông tin của con, tiền sử dị ứng, bệnh mạn tính với cán bộ y tế, từ đó có chỉ định, hướng dẫn cụ thể liên quan việc đảm bảo an toàn.
Sau tiêm, phụ huynh cũng cần chú ý tương tác với cán bộ y tế, lắng nghe tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe của trẻ. Các phụ huynh nên chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm. Ở lại điểm tiêm để theo dõi sau 30 phút nhằm xử lý kịp thời tình huống phản ứng phản vệ, đồng thời báo lại cho cán bộ y tế trước khi về”, PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo.
Một số phản ứng có thể xảy ra gồm phổ biến và bất thường như sốt, phát ban, tím tái, mệt mỏi, li bì,... có thể xảy ra sau 4-8 giờ.
Các tình trạng này thường giảm sau 1-2 ngày đầu. Do đó, nếu những biểu hiện này có dấu hiệu trầm trọng trọng hơn, cha mẹ cần liên hệ và đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.
Về việc trẻ có cần tiêm mũi vắc-xin nhắc lại trong tương lai hay không, bà Hồng cho hay nhiều quốc gia đã triển khai tiêm. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng mới tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi từ tháng quý I.
Do đó, chúng ta vẫn cần đánh giá thêm về mức độ tồn lưu miễn dịch ở trẻ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cập nhật thông tin liên quan hiệu quả bảo vệ.
Liên quan việc chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, TS.Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý các mốc thời gian gia đình cần lưu ý là 30 phút, 24 giờ, một tuần và 28 ngày.
Với trẻ em sau tiêm 3 ngày và trở lại trường học, gia đình và thầy cô sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe của trẻ.
Cụ thể, TS.Ngãi lưu ý trẻ cần tránh vận động mạnh trong thời gian này. Các hoạt động thể lực phải được điều chỉnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm.
2 trường hợp chống chỉ định với vắc-xin Covid-19 gồm: Trẻ có dị ứng với thành phần của vắc-xin và từng có phản ứng nặng ở mũi đầu tiên.