Đề xuất xã hội hóa nguồn cung vaccine
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh tại một số địa phương khiến nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp phải ngừng hoạt động, tác động rất lớn không chỉ tới tình hình sản xuất kinh doanh trong nước cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn thế giới. Việc tiêm chủng vaccine trở thành yếu tố then chốt để duy trì sản xuất và kinh doanh trong hoàn cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn.
Việc chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 cùng với Chính phủ tại thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, góp phần duy trì đời sống kinh tế xã hội ổn định, thực hiện “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.
Hiện tại các khu công nghiệp, công nhân được đưa vào nhóm ưu tiên trong chương trình tiêm chủng vaccine.
Để đảm bảo mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo kinh tế”, như vậy ngoài các nhóm nêu trên, các doanh nghiệp còn có nhóm ưu tiên nào khác cần đề xuất để đảm bảo hoạt động sản xuất và kinh doanh không bị gián đoạn, chiều 28/5, 9 Hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau đã tổ chức buổi họp trực tuyến về chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong Chương trình tiêm chủng phòng chống dịch COVID- 19”.
Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) - ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, cần ưu tiên sớm tiêm chủng cho các doanh nghiệp đang nằm trong tâm dịch và các tỉnh thành chưa phải tâm dịch nhưng có lượng công nhân đông.
Theo ông Trung, tính nghiêm trọng của vấn đề dịch bệnh thì ngành nào cũng như nhau nhưng thực sự các ngành hàng thực phẩm nguyên liệu có rồi mà không đưa vào sản xuất được thì chỉ đổ bỏ. Thay mặt Hiệp hội sữa Việt Nam ông Trung ủng hộ kế hoạch xã hội hóa nguồn kinh phí tiêm chủng, nguồn cung và cũng kế hoạch tiêm chủng với sự thống nhất của Bộ y tế.
Ông Vũ Đức Giang - Hiệp hội Dệt may (VITAS) chia sẻ 5 vấn đề cấp bách nhất đối với ngành này.
Thứ nhất là lực lượng lao động ngành đang đứng trước nguy cơ giãn cách không thực hiện được các đơn hàng trong quý II - III. Các nhãn hàng đã nói nếu không thực hiện tiến độ đơn hàng thì phải giao hàng bằng máy bay;
Thứ hai là lao động ngành này đang nằm rải rác tại khắp các vùng miền nên nguy cơ dịch bệnh khó kiểm soát;
Thứ 3 là Covid-19 đang khiến hàng loạt dự án của ngành bị chững lại;
Thứ 4 là tâm lý của người lao động không được ổn định, tâm lý nghỉ việc lớn ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất;
Thứ 5 là dù tình hình dịch bệnh khó khăn, sản xuất có thể bị đình đốn nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí tối thiểu để giữ lao động.
Theo ông Giang, với vấn đề tiêm vaccine cho công nhân, nhiều doanh nghiệp lớn có thể có khả năng tài chính chủ động được việc mua vaccine tiêm cho công nhân nhưng còn những doanh nghiệp cơ sở vừa và nhỏ khả năng tài chính không đảm bảo thì cần có chính sách của Nhà nước để tiêm chủng sớm;.
“Đến tháng 7 - 8, nếu không phủ sóng được vaccine thì rất khó cho mục tiêu tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam”, ông Giang nói.
Theo bà Phạm Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy và Túi sách Việt Nam (LEFASO), ngành da giầy cũng như dệt may ngành sử dụng nhiều lao động mật độ công nhân trong một nhà máy quá lớn nên nguy cơ dịch bệnh rất cao. Chính vì thế, cần thống nhất và có tiêu chí cụ thể hơn về việc ưu tiên tiêm phòng dịch cho công nhân các khu công nghiệp bởi trong khu công nghiệp nào cũng có rất nhiều nhà máy, những nhà máy như nào được tiêm chủng trước…
“Chúng tôi mong muốn các Hiệp hội chúng ta có một kế hoạch cụ thể để kiến nghị với Chính phủ nhưng cũng cần tham vấn Bộ y tế. Chúng tôi cũng kiến nghị kêu gọi nguồn vaccine cần đa dạng hơn chứ không chỉ tập trung một đơn vị, phải đa dạng nguồn cung mới tiêm chủng đại trà được…", bà Xuân phát biểu.
Doanh nghiệp mong muốn được trao đổi trực tiếp với các cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các doanh nghiệp đều mong muốn có vaccine để duy trì phát triển kinh tế và sản xuất. Chính vì thế đại diện các doanh nghiệp cần sớm đề xuất hai vấn đề.
Đó là: Thứ nhất, doanh nghiệp chủ động đề xuất mua vaccine để tiêm miễn phí cho công nhân của mình. Doanh nghiệp sẽ nộp tiền ngay sau khi được xác nhận và có vaccine. Thứ 2: đề xuất mở ra kênh, tìm kiếm nguồn vaccine và mua hộ các doanh nghiệp chẳng hạn như Amcham (tìm kiếm đầu mối các nguồn vacxin của Mỹ) hay VCCI.
Đồng tình với ý kiến của ông Nam, đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng nói rằng, Amcham là tổ chức Hiệp hội của doanh nghiệp Mỹ nơi có vaccine tốt. Amcham có thể giúp hỗ trợ mua vaccine với Chính phủ, có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ mua vaccine cho Việt Nam.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội đã có công văn gửi Chính phủ đề nghị cho doanh nghiệp khối này được ưu tiên tiêm vaccine và tự chi trả chi phí cho công nhân của mình.
Theo bà Hương, vì vaccine là sinh phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên vẫn cần quản lý từ Bộ Y tế và kế hoạch triển khai tiêm cũng thống nhất với Bộ Y tế.
Đồng thời, bà Hương đề xuất cần, ưu tiên tiêm cho công nhân ở những khu công nghiệp có doanh nghiệp tập trung và đưa công nhân của các doanh nghiệp vào đối tượng ưu tiên ngay sau lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tiếp theo, Chính phủ cũng cần thống nhất việc cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine trên toàn quốc vì các doanh nghiệp còn phải giao lưu đi lại, có chứng nhận này giao thương sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Đại diện Hiệp hội điện tử cũng đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp chủ động việc test covid để giảm tải cho hệ thống y tế tuyến đầu tại Bắc Ninh, Bắc Giang. "Que test bây giờ phát triển rất hiện đại, nhập về của Đức, Pháp rất tốt, y tế của các doanh nghiệp có thể triển khai test cho công nhân được… Tất nhiên quy trình test sẽ theo hướng dẫn của Bộ y tế", vị đại diện này nói.
Kết thúc buổi họp, các doanh nghiệp đều nhất trí với việc xã hội hóa nguồn cung vaccine để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.
Ông Cao Hoàng Nam, Thành viên Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng kiến nghị sau buổi họp này, VCCI nên kết nối để cộng đồng doanh nghiệp có buồi trao đổi trực tiếp với các cơ quan chức năng cũng như Bộ y tế để triển khai ngay các giải pháp đã bàn bạc.
Đại diện VCCI đồng ý với ý kiến này và nói rằng, VCCI sẽ tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp tới cơ quan chức năng và sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai ngay.