“Các doanh nghiệp địa ốc vẫn đang xoay xở để tìm vốn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 – 2021 sẵn sàng cho chu kỳ mới” do Bizlive tổ chức.
“Các doanh nghiệp địa ốc vẫn đang xoay xở để tìm vốn”

Về bối cảnh chung, theo ông Thành, tác động của đại dịch lần này như một cơn bão mà sức tàn phá quá khủng khiếp với nền kinh tế.

Cuối 2019, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chững lại và mức tăng trưởng năm 2020 được dự báo vào khoảng 3%. Khi xuất hiện Covid-19 đợt 1. Mức dự báo được thay đổi trong khoảng 0 – 1%. Nhưng đến thời điểm hiện nay thì mức dự báo này tụt mạnh xuống mức -5%.

Với Việt Nam cũng tương tự, các mục tiêu tăng trưởng đã phải điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế, từ khoảng 5% giảm xuống còn khoảng 2 – 3%.

Theo ông Thành, đến thời điểm hiện tại, hệ thống kinh tế vĩ mô nước ta vẫn ổn định, chưa bị phá vỡ. Dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách, lạm phát nhưng kinh tế vẫn ổn định. Hệ thống ngân hàng còn khó khăn nhưng khả năng chống đỡ tốt hơn nhiều 5 - 7 năm trước. Dự trữ ngoại tệ từ đầu năm đến tháng 8 vẫn tăng mạnh, đạt khoảng trên dưới 90 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

So sánh với cách làm của Singapore, đó là tung ra trên 40 tỷ USD để hỗ trợ cho nền kinh tế (từ nguồn dự trữ ngoại tệ), ông Thành cho rằng, dù nước ta còn nghèo, nhưng vẫn có các gói hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng mà chưa phải dùng đến nguồn dự trữ này cũng là một thành công.

Hình thức và quỹ hỗ trợ, giá trị các gói hỗ trợ cũng vừa phải, cho thấy quan điểm không chơi tất tay của Chính phủ. Và với việc còn tới khoảng 90 tỷ USD dự trữ, "để dành" thì cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm và trông đợi, phòng trường hợp đại dịch tiếp tục kéo dài hay có thêm các làn sóng mới.

Ông Thành đánh giá, với bức tranh thị trường bất động sản hiện nay, các bộ phận chính đang phải chịu những sự tác động từ bối cảnh chung, đó là: những người kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ liên quan tới bất động sản; Tiếp theo là xây dựng, phát triển dự án.

Ông Thành đánh giá cao các gói hỗ trợ, tuy nhiên, theo chuyên gia này, tốc độ triển khai, mức độ thẩm thấu vào doanh nghiệp vẫn còn chậm, là rào cản, hạn chế sự phục hồi nhanh của doanh nghiệp.

Theo ông Thành, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang xoay xở để tìm vốn, trong đó kênh trái phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm. 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành còn lớn hơn cả năm 2019. Trong đó, bất động sản chiếm tới trên 30%.

Theo chuyên gia, điểm sáng đáng được đề cao là tinh thần đổi mới, ứng phó lĩnh hoạt của các doanh nghiệp ngành địa ốc. Các doanh nghiệp cho thấy khả năng ứng phó tốt, tự mình thay đổi quy trình, công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc.

Cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, việc các doanh nghiệp chủ động phát hành trái phiếu hay dòng vốn ngoại, thì chính tinh thần thích ứng nhanh, “sống chung với lũ” đã và sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục