Các điểm nóng mùa đại hội ngân hàng

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng cận kề cũng là thời điểm các nhà băng dần hé lộ các chỉ tiêu kinh doanh. Năm nay, nhiều nhà băng tham vọng tăng lợi nhuận cao hơn nhiều so với năm ngoái.
Các nhà băng tỏ ra tự tin trong việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019.

Mục tiêu lợi nhuận tham vọng

Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2019 vào khoảng 12% so với mức 18.300 tỷ đồng đạt được năm 2018, lên 20.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 12%, tăng trưởng tín dụng 15% và duy trì nợ xấu dưới 1%.

Trong khi đó, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.077 tỷ đồng năm 2019, tăng 26,8%. Năm 2018, lợi nhuận của nhà băng này đã tăng tới 65,7%, đạt 4.005 tỷ đồng. Năm nay, thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank nếu sớm hoàn tất được dự báo sẽ tác động tích cực và có khả năng lợi nhuận của Ngân hàng sẽ cao hơn con số trên.

Sau khi đạt mức lãi vượt kỳ vọng năm 2018, VietinBank tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng cho năm nay, với con số dự kiến 9.500 tỷ đồng, tăng 41%. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của VietinBank dự kiến chỉ ở mức 6 - 8%, do áp lực phải nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Tại Ngân hàng Quân đội (MB), mục tiêu lợi nhuận hợp nhất năm 2019 là 9.895 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2018. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ là 8.525 tỷ đồng, tăng 21%, trả cổ tức năm 2019 ở tỷ lệ 14%. Tổng tài sản MB dự kiến tăng 12% và vượt mốc 400.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20% đạt 25.841 tỷ đồng; vốn huy động tăng 14% đạt 273.696 tỷ đồng; dư nợ cho vay dự kiến tăng tới 20% đạt 257.118 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%.

Không riêng các ngân hàng lớn, một số nhà băng nhỏ cũng đặt kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2019. Nam A Bank cho biết, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 800 tỷ đồng, cao hơn so với mức đạt được năm ngoái. Đáng chú ý, năm 2018, Ngân hàng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế đã đạt được hơn 740 tỷ đồng - con số cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 200% so với chỉ tiêu.

Mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đặt ra năm nay không cao hơn mức đạt được năm 2018 là 14%, song lãnh đạo các nhà băng vẫn khá tự tin trong việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Tổng giám đốc một nhà băng cho hay, trong năm qua, nguồn thu từ dịch vụ của Ngân hàng đạt 1.000 tỷ đồng và kỳ vọng con số này sẽ tăng mạnh năm 2019. Mặt khác, NIM (biên lãi ròng) trong cho vay của Ngân hàng dần được cải thiện.

Trong một phân tích mới đây, các chuyên gia của Moody's đánh giá, các ngân hàng Việt đang có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi ròng tăng và chi phí tín dụng thấp hơn. Từ đó, chất lượng tài sản của nhà băng cũng được cải thiện, vì họ sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu hình thành trước đây.

Cụ thể, các ngân hàng mà Moody's xếp hạng đạt được tỷ suất sinh lợi/tổng tài sản cao hơn trong 2 năm qua, từ mức 0,9% năm 2017 lên 1,1% năm 2018. Thu nhập ròng của các ngân hàng tăng 35%, đạt 70.000 tỷ đồng năm 2018, mặc dù có sự điều chỉnh về tăng trưởng tín dụng.

Cũng theo Moody's, năm 2019, các ngân hàng Việt được xếp hạng sẽ đạt tỷ suất sinh lợi cao hơn nữa. Nguyên nhân chính vẫn nhờ sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ngày càng lớn, trong khi chi phí tín dụng thấp hơn. Tuy nhiên, Moody's cho rằng, hầu hết các ngân hàng Việt sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực kể từ năm 2020. Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm chú ý của ngành ngân hàng trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển. 

Các biến động trước kỳ đại hội

Quả thực, tăng vốn đang trở thành nhu cầu cấp thiết để tiến tới áp dụng tiêu chuẩn Basel II, khi hiếm có ngân hàng nào bỏ sót kế hoạch tăng vốn trình đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019. Theo đó, Nam A Bank có kế hoạch sẽ hút vốn ngoại để tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong thời gian tới.

Ngày 23/3, nhà băng này sẽ tiến hành ĐHCĐ tại Đà Lạt. Trước thềm Đại hội, mới đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện một số thông tin liên quan đến tranh chấp cổ phiếu giữa các cổ đông Nam A Bank. Tuy nhiên, Ngân hàng khẳng định, những vấn đề này hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và nhà băng đang trên đà tăng trưởng tích cực.

LienVietPostBank vừa bất ngờ thông báo sẽ lùi thời gian tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2019 sang ngày 24/4, thay vì ngày 28/3. Năm nay, Ngân hàng tiếp tục phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Năm 2018, ĐHCĐ LienVietPostBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng bằng việc phát hành gần 287 triệu cổ phiếu LPB cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên, nhưng chưa hoàn tất và đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của nhà băng này ở mức 7.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, ACB có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của gia đình ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Ngân hàng trước thềm ĐCHĐ. Mới đây, ông Huy đã mua xong 3,8 triệu cổ phiếu ACB từ ngày 6/3 - 11/3/2019, với giá trị ước tính khoảng 115 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ sở hữu của ông Huy tại Ngân hàng là 3,51%.

Trong khi Chủ tịch ACB gom vào cổ phiếu nhà băng thì chị gái của ông ngày 6/3 đã thoái sạch vốn khỏi ACB. Đồng thời, ông Trần Mộng Hùng (bố ông Huy) và ông Trần Minh Hoàng (em trai ông Huy) cũng thực hiện chuyển quyền sở hữu cho 2 công ty khác. Tính đến thời điểm này, đối với gia đình Chủ tịch ACB, chỉ còn ông Hùng Huy và mẹ ông là bà Đặng Thu Thủy sở hữu gần 14 triệu cổ phiếu Ngân hàng.

ACB sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên vào ngày 23/4 tới, với kế hoạch trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức năm 2018 bằng cổ phần phổ thông, dự kiến ở mức 30%. Đồng thời, Ngân hàng dự kiến bán cổ phiếu quỹ để tăng vốn. Theo báo cáo tài chính năm 2018, ACB đang sở hữu 41,42 triệu cổ phiếu quỹ. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng đạt gần 6.400 tỷ đồng và kế hoạch 2019 dự kiến tăng 20 - 25%.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục