Một mặt, chi phí năng lượng thấp hơn sẽ giúp cho người tiêu dùng và các công ty có thêm tiền để chi tiêu cho các dịch vụ khác, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng tưởng kinh tế, ít nhất là các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô. Tuy nhiên, đối với những nước đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm, lại hoặc nguy cơ giảm phát, thì khả năng giá cả đi xuống sẽ trở nên đáng lo ngại hơn.
Giá dầu thô giảm hơn 50% từ giữa tháng 6/2014, xuống dưới 50 USD/thùng có thể sẽ dẫn tới một kịch bản là những nước đang duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ sẽ phát triển mạnh hơn nữa, trong khi những nước tăng trưởng ì ạch lại gặp khó khăn hơn.
Trong những tuần gần đây, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thể hiện sự đối lập ý kiến sâu sắc về tác động của việc giá dầu giảm.
Chủ tịch FED San Francisco, John Williams cho rằng, dầu thô rớt giá là mối lợi lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Đồng quan điểm, biên bản cuộc họp hồi tháng 12/2014 của FED cũng cho hay, tác động tích cực từ việc giá năng lượng đi xuống có nhiều lợi ích.
Hầu hết các nhà kinh tế nhất trí rằng, kinh tế Mỹ, Anh và Canada sẽ được hưởng lợi từ việc giá dầu ở mức thấp, trong khi các nền kinh tế khác đang đối mặt với sức ép thực sự. Đối với các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, dầu thô rớt giá mạnh rõ ràng có tác động tiêu cực, ngay cả với các nước sản xuất dầu mỏ Vùng Vịnh, vốn có nguồn dự trữ lớn.
Kinh tế Nga bị tác động không nhỏ bởi đòn trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, song giới phân tích cho rằng, dầu mỏ có thể là nhân tố giữ vai trò lớn hơn trong việc báo hiệu trước khả năng rơi vào suy thoái sâu của "xứ sở Bạch dương".
Điện Kremlin cần giá dầu duy trì ở mức khoảng 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Vì thế, việc giá dầu giờ đây chỉ còn một nửa, đồng nghĩa với việc Chính phủ Nga sẽ phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, đồng thời, đẩy nước này trước tình trạng cạn dự trữ ngoại tệ đáng báo động.
Giá dầu giảm cũng khiến Nhật Bản đứng trước tình huống "tiến thoái lưỡng nan". Là nước nhập khẩu nhiên liệu lớn, giá dầu thấp hơn rõ ràng hỗ trợ không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, song xem ra vẫn chưa đủ để thuyết phục người tiêu dùng và các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn có xu hướng tích trữ tiền trong gần 2 thập niên qua đẩy mạnh chi tiêu. Đồng thời, nó cũng gây khó cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), trong bối cảnh ngân hàng này đã bơm một lượng lớn tiền để kéo lạm phát từ mức dưới 1% lên 2% như mục tiêu đề ra.
Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda nói rằng, giá dầu giảm sẽ gây sức ép lên giá cả trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xét về dài hạn, qua đó dần sẽ tạo đà đi lên cho giá cả tại nước này.
Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS, triển vọng kinh tế cũng diễn biến trái chiều nhau. Kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại trong bối cảnh lạm phát đứng ở mức thấp nhất trong gần 5 năm qua và giảm phát đang trở thành một nguy cơ đối với nước này, còn Brazil lại đối mặt với tình trạng lạm phát cao.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế chủ chốt của IHS Global Insight khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, giá dầu giảm ước tính sẽ kéo khoảng 1.500 tỷ USD từ các nước sản xuất dầu mỏ trên toàn cầu sang các nước nhập khẩu dầu mỏ, trong số này, các nước nhập khẩu dầu mỏ lớn ở châu Á là những người được lợi nhiều nhất. Những nhân tố tích cực này sẽ giúp làm dịu bớt tác động của việc kinh tế tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc hay yếu hơn ở Nhật Bản.