Các công ty Việt Nam để mắt tới thị trường IPO của Mỹ trong bối cảnh niêm yết ở Trung Quốc tạm lắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một nhóm công ty mới có trụ sở tại châu Á đang dự tính IPO ở Mỹ, mặc dù trước đây việc niêm yết quốc tế từng chủ yếu do các công ty khởi nghiệp Trung Quốc thúc đẩy.
Các công ty Việt Nam để mắt tới thị trường IPO của Mỹ trong bối cảnh niêm yết ở Trung Quốc tạm lắng

Johan Annell, đối tác của ARC Group có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng điều đó cũng giống như VinFast đã đưa Việt Nam lên bản đồ.

“Nó phát đi một thông điệp rằng, bất chấp việc kiểm soát vốn - điều mà tôi nghĩ là rào cản chính thức lớn đối với các công ty, họ vẫn có thể tiến hành IPO”, ông nói.

Drew Bernstein, đồng chủ tịch công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán MarcumAsia, đồng thời là nhà tư vấn hàng đầu của Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) cho các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ cho biết, đây vẫn chỉ là giai đoạn đầu của quá trình, khi các công ty địa phương phát triển vượt xa khả năng cung cấp vốn mà các thị trường đó cần…

Ông Bernstein cho biết đã tham dự các hội nghị đầu tư ở Malaysia và Việt Nam vào cuối tháng 10, nơi nhiều người tham dự chính là những người mà ông đã gặp trong 10 - 15 năm qua trong vòng IPO Trung Quốc-Mỹ.

Kể từ việc hủy niêm yết của Didi tại Mỹ vào năm 2021, các quy định và thị trường IPO trầm lắng của Mỹ đã cản trở hầu hết các kế hoạch niêm yết của Trung Quốc. Theo Renaissance Capital, chỉ có một trong số 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trong năm nay huy động được hơn 50 triệu USD.

Công ty quan hệ nhà đầu tư, tư vấn thị trường vốn và quan hệ truyền thông tài chính The Blueshirt Group cũng đã làm việc với nhiều công ty Trung Quốc để niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của công ty Gary Dvorchak cho biết, Blueshirt đã tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng 4 với 20 - 30 công ty có trụ sở tại Việt Nam về lộ trình IPO tại Mỹ, trong đó nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như thanh toán, trò chơi trực tuyến và thương mại điện tử.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển

CNBC đã liên hệ với khoảng 24 công ty khởi nghiệp có trụ sở chính hoặc văn phòng lớn tại Việt Nam để hỏi về kế hoạch IPO tại Mỹ của họ. Hầu hết đều cho biết việc niêm yết vẫn còn rất xa vời, nhưng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp địa phương trong 15 năm qua.

“Vốn dành cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước”, Ông Nguyễn An Nguyên, Giám đốc Điều hành công ty khởi nghiệp fintech Trusting Social, có văn phòng trong khu vực bao gồm Singapore và Việt Nam nói và cho biết thêm, hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển đã thu hút nhiều người gốc Việt trở về quê hương, trong khi tăng trưởng kinh tế trong nước đã tăng quy mô thị trường cho người chơi địa phương.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 3,6 lần tính theo đầu người từ năm 2002 đến năm 2022, lên gần 3.700 USD.

Ứng dụng học tiếng Anh dựa trên trí tuệ nhân tạo ELSA có trụ sở tại Mỹ trong khi đồng sáng lập và CEO Vũ Văn đến từ Việt Nam. Bà cho biết nhờ sự thành công của Grab, ngày càng có nhiều công ty Việt Nam bắt đầu nhìn xa hơn thị trường nội địa để hướng tới kinh doanh trong khu vực. "Đối với ELSA, khi chúng tôi thành lập công ty, khát vọng của chúng tôi luôn là một doanh nghiệp có dấu ấn toàn cầu… IPO tại Mỹ sẽ giúp chúng tôi tạo dấu ấn toàn cầu đó”, bà nói.

Theo dữ liệu của Renaissance Capital tính đến ngày 29/11, trong số 103 đợt IPO của Mỹ trong năm nay, có 10 đợt đến từ các công ty có trụ sở tại Đông Nam Á – chủ yếu là Singapore và Malaysia.

“Thật bất thường khi thấy nhiều công ty châu Á niêm yết bên ngoài Trung Quốc như vậy. Tuy nhiên, không có thương vụ nào trong số này có quy mô đáng kể”, báo cáo của Renaissance Capital cho biết.

George Chan, lãnh đạo IPO toàn cầu tại EY kỳ vọng rất nhiều công ty từ Đông Nam Á sẽ đạt đến giai đoạn IPO trong 12 - 18 tháng tới và cũng có thể xem xét niêm yết ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo ông Bernstein, xu hướng này không thay thế các đợt IPO của Trung Quốc tại Mỹ mà tạo ra những cơ hội mới. MarcumAsia đang mở rộng văn phòng tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Châu và Thượng Hải, đồng thời mở văn phòng tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào mùa thu này. Trước đó vào tháng 5/2022, MarcumAsia đã mở văn phòng tại Singapore.

Cuối cùng, thị trường IPO toàn cầu cần phải phục hồi trước khi bất kỳ công ty nào có thể thực hiện các kế hoạch nghiêm túc.

Bob McCooey, Phó chủ tịch của Nasdaq cho biết: “Chắc chắn có một mạng lưới rất lớn các công ty từ Đông Nam Á đang đánh giá thị trường Mỹ”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, với điều kiện thị trường, nhiều công ty đang trì hoãn kế hoạch niêm yết sang nửa đầu năm tới.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục