Theo Patrick Ho Ho-yin, Giám đốc phát triển bền vững tại công ty phát triển Swire Properties, bằng cách hiểu và quản lý các rủi ro và cơ hội liên quan đến thiên nhiên, các doanh nghiệp Hồng Kông có thể chuyển nhiều vốn hơn vào các dự án bảo tồn.
“Bằng cách áp dụng các công bố thông tin liên quan đến thiên nhiên, Hồng Kông (Trung Quốc) có thể định vị mình là nền kinh tế dẫn đầu về tài chính dựa trên thiên nhiên và thu hút đầu tư cho nhiều dự án môi trường hơn", ông cho biết.
Theo báo cáo của PwC năm ngoái, khoảng 55% hay 58.000 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 50% giá trị thị trường tại 19 sàn giao dịch chứng khoán lớn đang phải chịu những rủi ro đáng kể liên quan đến thiên nhiên. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết vào năm 2020, các nhóm ngành xây dựng, thực phẩm và đồ uống, và nông nghiệp là những ngành dễ bị tổn thương nhất.
Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) cho biết vào tháng 4 rằng, nhu cầu cải thiện các thông tin về đa dạng sinh học, hệ sinh thái và các dịch vụ mà thiên nhiên cung cấp là rất lớn và ngày càng tăng.
Các dịch vụ đó bao gồm hình thành đất, cung cấp thực phẩm và chất xơ, điều tiết nguồn cung cấp nước, chất lượng không khí và khí hậu, vốn rất cần thiết cho mức sống và phúc lợi kinh tế của con người.
ISSB cho biết, vào thời điểm đó, các doanh nghiệp sẽ bắt tay vào các dự án nghiên cứu để đánh giá tính đầy đủ của các thông tin công bố hiện tại. ISSB cũng đã đưa ra hai bộ tiêu chuẩn được khuyến nghị về các thông tin công bố về khí hậu và tính bền vững, đang được nhiều cơ quan quản lý tài chính và chứng khoán áp dụng hơn.
"Công việc của ISSB về việc công bố thông tin liên quan đến thiên nhiên đã gửi một tín hiệu rõ ràng đến thị trường. Sở giao dịch chứng khoán và các doanh nghiệp của Hồng Kông sẽ trở nên quan trọng hơn khi bắt đầu chuẩn bị cho xu hướng quản lý sắp xảy ra này", ông Patrick Ho Ho-yin cho biết.
Billy Hau Chi-hang, giảng viên chính của khoa khoa học sinh học thuộc Đại học Hồng Kông ước tính rằng cần khoảng 500 triệu đô la Hồng Kông để trồng 5 triệu cây nhằm phục hồi 2.000 ha đất bị thoái hóa ở phía bắc New Territories từng được bao phủ bởi rừng.
Ông lưu ý rằng, chỉ riêng việc bán tín chỉ carbon được tạo ra từ mức độ tái trồng rừng như vậy sẽ tạo ra doanh thu hàng năm là 6,2 triệu đô la Hồng Kông dựa trên giá tín dụng hiện tại.
Kate Martin, cố vấn về tài chính bền vững tại ADM Capital Foundation cho biết, ngân sách của Hồng Kông dành cho bảo tồn đại dương lên tới 87 triệu đô la Hồng Kông trong năm nay, quá ít để giúp nâng mức bảo vệ từ 5% hiện nay. Nguồn tài trợ cần được tăng gấp 6 lần để đáp ứng tham vọng toàn cầu là có 30% đại dương trên thế giới được chỉ định là khu bảo tồn vào năm 2030.