Các cổ đông nhỏ kiện lãnh đạo WeWork đòi bồi thường thiệt hại

(ĐTCK) Gần hai tháng trôi qua kể từ ngày nhà đồng sáng lập Adam Neumann từ chức khỏi chiếc ghế CEO, những ngày tháng đen tối của WeWork vẫn chưa kết thúc khi mới đây, các lãnh đạo của WeWork, gồm cả Adam Neumann bị các cổ đông thiểu số khởi kiện.
Ảnh: Bloomberg. Ảnh: Bloomberg.

Chuỗi ngày đen tối vẫn chưa kết thúc

Các quan chức của WeWork, bao gồm cả nhà đồng sáng lập và cựu CEO Adam Neumann, đang bị các cổ đông thiểu số kiện đòi bồi thường thiệt hại khi nhà cung cấp không gian làm việc chung rút hồ sơ IPO.

Trong một vụ kiện tập thể được đệ trình trong tuần này tại Tòa án Tối cao San Francisco (Mỹ), Natalie Sojka, một cựu nhân viên của WeWork đã cáo buộc ban giám đốc của Công ty về việc vi phạm nghĩa vụ ủy thác của mình đối với các cổ đông thiểu số như cô.

Natalie Sojka đổ lỗi cho Hội đồng quản trị vì đã để Tập đoàn Nhật Bản Soft Bank “giải cứu” WeWork bằng cách tăng tỷ lệ sở hữu lên 80% từ 29% với giá bèo bọt và Neumann sẽ được hưởng một “gói chia tay” trị giá 1,7 tỷ USD sau những sai lầm.

Cụ thể, Neumann được hưởng gần 1 tỷ USD từ cổ phần tại WeWork, 500 triệu USD để thanh toán các khoản nợ cá nhân và 185 triệu tiền phí cố vấn. Đây là một phần trong thỏa thuận mua lại WeWork của Softbank sau đợt IPO bất thành.

Softbank và Masayoshi Son, Chủ tịch của tập đoàn này cũng nằm trong số 10 bị đơn có tên trong đơn kiện đệ trình vào hôm 4/11.

Tuy nhiên, đại diện WeWork cho rằng, vụ kiện này không có giá trị.

Natalie Sojka giữ vị trí Trợ lý điều hành cho ban lãnh đạo WeWork trong 17 tháng trước khi nộp đơn xin nghỉ vào đầu năm nay.

Vụ kiện lần này là một khó khăn mới đối với WeWork, sau khi Công ty rút hồ sơ IPO từ cuối tháng 9 khi các nhà đầu tư cảnh giác với những tổn thất, mô hình kinh doanh và quản trị công ty. Còn Adam Neumann thì đã bị buộc phải rời ghế cách đó vài tuần.

Sau những lùm xùm, hiện tại, định giá của WeWork chỉ còn ở mức 5,9 tỷ USD, cú trượt giá thảm hại từ mức 47 tỷ USD vào hồi tháng 8.

Liệu WeWork có được vực dậy?

Hôm 8/11, với một bài thuyết trình dài 49 trang, WeWork đã công bố một "kế hoạch 90 ngày" nêu chi tiết các thay đổi sâu rộng trong công ty, trong đó nhấn mạnh việc thoái vốn khỏi toàn bộ "hoạt động kinh doanh không cốt lõi" và cắt giảm nhân sự.

WeWork cho biết, công ty có kế hoạch thoái vốn khỏi 7 doanh nghiệp “không cốt lõi”, gồm nền tảng tiếp thị Conductor, startup The Wing, nền tảng quản lý văn phòng Managed by Q, Meetup, startup bất động sản SpaceIQ và công ty phần mềm doanh nghiệp Teem and Wave Garden.

Công ty này cũng dự kiến sẽ cắt giảm nhân sự tại các liên doanh cũng như bộ phận quản lý doanh nghiệp và tăng trưởng, tuy nhiên các nhóm cộng đồng (chuyên giám sát các văn phòng cho thuê của WeWork) sẽ không chịu ảnh hưởng của thay đổi mới.

WeWork sẽ tập trung vào mảng kinh doanh không gian làm việc chung - vốn là nền tảng cốt lõi của startup kỳ lân này, nhằm đưa công ty ra khỏi khó khăn cũng như khích lệ tinh thần nhân viên và khuyến khích đưa ra các sáng kiến làm việc.

Đặc biệt, WeWork còn có kế hoạch chuyển hướng tập trung từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (thường là các startup) sang các đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn hơn.

WeWork cho biết, trong quý III/2019, công ty đã lên kế hoạch mở thêm 450.000 không gian làm việc chung, dù chưa được triển khai. Những không gian này sẽ có rộng gần gấp đôi so với 520.000 cơ sở đang hoạt động.

Bên cạnh đó, WeWork cũng sẽ đánh giá lại kế hoạch thực hiện khoảng 28 thương vụ thuê văn phòng tiềm năng ở London, thị trường lớn thứ hai của họ.

WeWork còn nhấn mạnh, Công ty sẽ được lãnh đạo bởi "các giám đốc có năng lực từ các mảng kinh doanh khác nhau" thay vì chủ yếu do nhà sáng lập dẫn dắt như trước. Đồng CEO Sebastina Gunningham và Artie Minson đã thay thế cựu CEO Adam Neumann sau khi ông này rời đi hồi tháng 9.

Quỳnh Lê
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục