Các chiêu trò chuyển giá không lạ, chống nổi không?

Không thể phủ nhận những đóng góp của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, còn tồn tại không ít vấn đề cần chấn chỉnh, trong đó tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI đang là vấn đề gây nhức nhối. Mới đây, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ ra hiện tượng chuyển giá sau khi tiến hành thanh tra tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất ở một số địa phương.
Các chiêu trò chuyển giá không lạ, chống nổi không?

Trong xuất khẩu vốn, mục tiêu tối thượng của nhà đầu tư là lợi nhuận. Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước trên thế giới, doanh nghiệp FDI đều tận dụng tối đa kẽ hở của pháp luật để giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp cho nước sở tại.

Không phải cơ quan quản lý nhà nước không biết những “chiêu trò” chuyển giá dưới hình thức gian lận giá trong góp vốn đầu tư, mua bán nguyên liệu, hàng hóa, chi trả lãi vay giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con ở nước khác... của khu vực FDI, nhưng từ trước tới nay, căn bệnh này chưa được chữa trị.

Có thể khẳng định rằng, qua một phần tư thế kỷ mở cửa thu hút FDI, khu vực doanh nghiệp FDI đã đầu tư trên 106 tỷ USD vào Việt Nam (chiếm trên 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4 triệu lao động gián tiếp...

Nhưng “mặt trái của tấm huy chương” - như nhận định của chính cơ quan thuế - là “tình trạng kê khai lỗ của không ít doanh nghiệp FDI. Cụ thể, gần 70% số doanh nghiệp FDI đang hoạt động kê khai lỗ, thậm chí lỗ liên tục trong nhiều năm, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động cùng lĩnh vực, với quy mô vốn, thị trường nhỏ hơn, song vẫn có lãi. Việc nhiều doanh nghiệp FDI kê khai có lãi, nhưng tỷ suất lợi nhuận/doanh thu không đáng kể… đã trở nên phổ biến. Kết quả là, khu vực FDI chỉ chiếm 9-10% tổng thu nội địa hàng năm (không kể dầu thô), trong khi khối này chiếm trên 61% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 56% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Cùng với việc gia tăng các hoạt động đầu tư, chuyển giá diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi, đa dạng, trở  thành thách thức không chỉ đối với cơ quan thuế, mà cho cả nền kinh tế. Bởi chuyển giá không chỉ gây thất thu ngân sách, mà còn làm méo mó môi trường đầu tư, cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp trong nước, lãng phí tài nguyên, khoáng sản của đất nước.

Nguyên nhân dẫn đến việc chống chuyển giá kém hiệu quả theo kết luận của Thanh tra Chính phủ một phần là do ngành thuế chưa có điều kiện đầu tư đầy đủ cho xây dựng cơ sở dữ liệu, trong khi đây là lĩnh vực hết sức phức tạp. Đó còn do các cơ quan thuế địa phương chưa bố trí nguồn nhân lực riêng, thiếu sự phối hợp với các cơ quan có liên quan như hải quan, ngân hàng, thống kê... khi thực hiện chống chuyển giá. Việc thu thập thông tin về giá chuyển nhượng hiện quá khó, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, nên công chức ngành thuế rất khó phanh phui hành vi gian lận. Cũng chính vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá mới chỉ thực hiện trên phạm vi hẹp tại một số địa phương.

Để chống chuyển giá có hiệu quả, ngoài việc khắc phục các nguyên nhân nêu trên, đã đến lúc ngành thuế cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng được một đội quân “đặc nhiệm” để có thể phát hiện và xử lý những hình thức chuyển giá ngày càng tinh vi.

Mạnh Bôn(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục