Các chỉ dẫn đầu tư tại châu Á năm 2018

(ĐTCK) Nếu các thị trường mới nổi là tâm điểm thu hút giới đầu tư trong năm 2018 thì châu Á chính là ngôi sao sáng nhất.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Năm 2017, chỉ số MSCI các thị trường mới nổi châu Á tăng 40% so với năm trước đó, cao hơn mức tăng 34% của chỉ số MSCI thị trường mới nổi toàn cầu.

Bước sang năm nay, từ các chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mối lo ngại về tình hình tại Triều Tiên cho tới nỗ lực giảm nợ của Trung Quốc đều không đủ sức đe dọa tới tiềm năng tăng trưởng rất lớn của khu vực này.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư nên bắt đầu dành sự chú ý tới cổ phiếu và tiền tệ tại các thị trường châu Á mới nổi kể từ bây giờ.

Dưới đây là những nét chính tại các thị trường mới nổi châu Á mà nhà đầu tư cần theo dõi.

Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chào đón năm mới với việc tiến thêm một bước trong kế hoạch cải tổ các thị trường tài chính, xóa bỏ bớt các gánh nặng nợ. Cụ thể, Bắc Kinh công bố quy định mới thắt chặt việc sử dụng đòn bẩy giao dịch tại thị trường trái phiếu, đưa các khoản nợ ngắn hạn của nhà băng nhỏ về 0.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, việc quản lý biến động của đồng nhân dân tệ sẽ được nới lỏng, để đồng tiền này giao dịch thuận theo yếu tố thị trường nhiều hơn.

Trong khi đó, các va chạm thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là vấn đề mà nhà đầu tư cần chú ý. Bộ Thương mại Mỹ sẽ phải quyết định liệu có đánh thêm thuế vào sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc hay không vào giữa tháng 1/2018.

Đối với thị trường chứng khoán, một số cổ phiếu tại Đại lục sẽ được thêm vào các chỉ số của MSCI Inc kể từ tháng 5, cũng như việc Trung Quốc sẽ góp mặt trong một số chỉ số chính trên thị trường trái phiếu toàn cầu.

Hàn Quốc

Xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã được xoa dịu sau các cuộc đối thoại giữa 2 quốc gia. Biểu hiện cụ thể nhất là việc Triều Tiên sẽ gửi đoàn đại biểu tới dự Olympic mùa đông tại Hàn Quốc trong tháng tới.

Do đó, nhà đầu tư nên dồn sự chú ý vào thị trường tiền tệ của quốc gia này, khi won là đồng tiền có màn biểu diễn tốt nhất tại châu Á trong năm 2017. Một số ý kiến lo ngại giới chức Hàn Quốc có thể sẽ can thiệp vào giá trị của đồng won trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu. Bên cạnh đó, quá trình thương lượng với Mỹ về thỏa thuận tự do thương mại cũng là yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ.

Indonesia

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ thực hiện các công đoạn của cuộc bầu cử kể từ tháng 6 và trong tháng 8, các ứng cử viên Tổng thống sẽ xuất hiện. Cuộc bầu cử chính thức sẽ diễn ra vào tháng 4/2019.

“Các diễn biến chính trị nhiều khả năng sẽ tạo ra rủi ro cho các thị trường tài chính. Dù vậy, yếu tố bất ổn cao sẽ trở thành cơ hội cho giới đầu tư tại thị trường trái phiếu”, Sriyan Pietersz, chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia cho biết.

Bên cạnh đó, về chính sách tiền tệ, các nhà kinh tế học đang bị chia rẽ trong việc đoán định bước đi tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Indonesia, sau khi cơ quan này đã giảm lãi suất 2 lần trong năm ngoái.

Thái Lan

Trong năm 2018, Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, cũng sẽ chứng kiến các yếu tố chính trị đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng. Theo đó, cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ chấm dứt chế độ quân đội nắm quyền tại Thái Lan kể từ tháng 5/2014.

Ngay từ đầu năm, đồng baht đã có mức tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 9/2014 và thị trường chứng khoán Thái Lan lập kỷ lục mới. Trong khi đó, triển vọng kinh tế được dự báo tích cực khi xuất khẩu phục hồi.

Philippines

Các nhà kinh tế học dự báo, Philippines sẽ tiếp tục trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á trong năm nay, với động lực đặc biệt tới từ nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ nước này.

Bên cạnh đó, chương trình cải cách thuế của Philippines được nhận định sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư, trong khi việc giảm thuế thu nhập cá nhân cổ vũ người dân chi tiêu nhiều hơn.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục