Một công ty bảo hiểm nhân thọ quy mô hàng đầu Việt Nam sắp sửa có tân Tổng giám đốc, thông tin chưa công bố chính thức vì còn chờ sự phê duyệt của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, lãnh đạo mới này là “người cũ” từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc trước đó và là người Việt Nam.
Trước đó, vào tuần đầu của tháng 4 vừa qua, Tập đoàn FWD đã thông báo đã nhận được sự chấp thuận theo luật định cho việc mua lại Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI), công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif.
Theo đó, FWD sẽ sớm đổi tên công ty mới mua lại và việc chuyển đổi thương hiệu chính thức sẽ được diễn ra tới đây.
Việc chuyển đổi này, theo FWD sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng hiện tại của VCLI (do FWD sẽ tiếp tục chăm sóc tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện tại của VCLI sau khi hoàn tất giao dịch).
Điểm đáng chú ý trong thương vụ này, theo nguồn tin của phóng viên, đó là FWD không tiến hành sáp nhập VCLI mà vẫn duy trì pháp nhân mới độc lập so với FWD, và tất nhiên sẽ là một gương mặt lãnh đạo mới ở công ty bảo hiểm này.
Ở hai khối nhân thọ và phi nhân thọ, theo tổng hợp của Đầu tư Chứng khoán, từ đầu năm đến nay, không có quá nhiều cuộc thay CEO và Chủ tịch trong khối doanh nghiệp bảo hiểm, Covid có thể là nguyên nhân khiến các kế hoạch được trì hoãn lại.
Ở khối phi nhân thọ, sau nhiều năm liên tục thay đổi các vị trí cấp cao, tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Bảo hiểm PVI lại thay Chủ tịch Hội đồng thành viên sau khi công ty mẹ là Công ty cổ phần PVI bán bớt cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Ông Dương Thanh Danh FRANCOIS (Quốc tịch Pháp) thay cho ông Bùi Vạn Thuận làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ông Dương Thanh Francois hiện là Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật) của HDI Global SE, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần PVI.
Còn tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), vị trí CEO dự báo sắp sớm “lộ diện”. Hiện MIC mới có Phó tổng giám đốc thường trực là ông Phạm Trung Dũng.
Chuyện ngành bảo hiểm
Việc thay vị trí Tổng giám đốc ngành bảo hiểm năm nào cũng được báo chí đề cập. Chưa có số liệu so sánh với ngành khác, nhưng các thông tin về “ghế nóng” với mật độ cao tạo cảm giác về những chiếc ghế lãnh đạo “nóng” thực sự của ngành này. Những nhân vật giữ ghế Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc trên 10 năm là những gương mặt hiếm.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, một người từng làm CEO một công ty bảo hiểm phi nhân thọ thừa nhận, áp lực chỉ tiêu từ Hội đồng quản trị là rất lớn. Trong khi đó, thị trường chưa hoàn hảo, cạnh tranh dưới chuẩn rất nhiều khiến nhiều chiến lược vạch ra khi mới nhậm chức khó triển khai.
“Lăng xăng như người mới đến” là một giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng thu phí và bảo đảm thị phần, nhưng hệ lụy không phải không có. Chẳng hạn khi CEO ra đi thì thường “đi cả cụm” với ê kip của mình là lãnh đạo các khối, khiến việc kinh doanh đương nhiên có xáo trộn.
Có những công ty bảo hiểm cứ 1 - 2 năm lại thay CEO cũng đặt ra những quan ngại trong việc ổn định đội ngũ nhân sự ở cấp dưới, được dân trong ngành gọi là “thay máu” hoàn toàn, nhân sự cũ gắn với thời hoàng kim thời trước gần như không còn, tản mát khắp nơi, luân chuyển sang các công ty khác.
Dưới thời CEO mới, văn hóa doanh nghiệp cũng thay đổi theo, có công ty phát triển theo chiều hướng tích cực hơn nhưng cũng có công ty được cho là xuống dốc, nhân sự yếu và thiếu kỹ năng.
Chia sẻ từ trưởng đại diện văn phòng của một công ty bảo hiểm lớn, với những chính sách thay máu, thay cấu trúc tổ chức cách đây 6 năm, rất nhiều nhân sự cấp cao của công ty ông đã bỏ ra đi.
Đồng thời, có những nhân tố mới trình độ chưa đạt yêu cầu, chưa đủ năng lực chuyên môn nhưng vẫn được bổ nhiệm vào vị trí cao và điều hành theo cảm tính, phá vỡ nền tảng văn hoá gây dựng trước đó.
“Họ thay máu hàng loạt rồi sau đó tuyển dụng nhân sự mới trẻ nhưng thiếu đi việc đào tạo nền tảng văn hoá doanh nghiệp nên hệ thống nhân sự bị gãy và đặc biệt những mô hình nước ngoài họ mang vào áp dụng tại Việt Nam thì hoàn toàn không phù hợp với văn hoá của người Việt Nam. Từ đó, dấu hiệu tụt dốc là điều hiển nhiên, khó tránh”, vị trên bộc bạch.
Đó là một chuyện, nhưng khi ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng hai con số hàng năm, thì dừng lại có nghĩa là lãnh đạo cao cấp nhất cũng bị buộc phải rời cuộc chơi.