Kết quả kiểm tra cho thấy, tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng, có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/L), đặc biệt đáng báo động có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy. Đây là thông tin gây sốc với người tiêu dùng, đặc biệt là với những người yêu thích món đồ uống cà phê.
Nhiều người dùng không thể phân biệt được cà phê thật với cà phê giả. Anh Lê Văn Chính, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Bên cạnh những cửa hàng cà phê lớn thì hiện nay dịch vụ cà phê bình dân, như: Cà phê dạo, cà phê quán cóc hay cà phê mua mang về cũng xuất hiện khá nhiều vì tiện lợi, giá rẻ. Tôi cũng thường xuyên dùng cà phê nhưng cũng không phân biệt được cà phê thật hay cà phê giả. Thường họ bảo là cà phê nguyên chất vậy mình uống chứ đâu biết có nguyên chất thật hay không. Người bán pha sẵn cà phê đen trong một cái bình rồi để trong thùng đá giữ lạnh rồi pha cho khách, thêm đường hoặc sữa, đánh tạo bọt, cho đá vào. Không thể biết được cà phê đó được pha trộn như thế nào, thành phần ra sao".
Bên cạnh những ly cà phê có giá vài chục nghìn đồng tại những quán cà phê lớn, thì cà phê vỉa hè, cà phê dạo đang được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, bởi giá rẻ chỉ từ 5.000 - 15.000 đồng/ly. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về thực phẩm, với số tiền này, chắc chắn người dùng sẽ không được uống cà phê làm từ hạt cà phê. Bởi tất cả những cơ sở rang, xay cà phê giả đều dùng đậu tương hoặc bắp thay hạt cà phê, nhưng phần lớn là dùng đậu tương vì giá rẻ.
Bên cạnh đó, việc cà phê giả hoành hành cũng một phần xuất phát từ thói quen tiêu dùng khi mà cách đánh giá cà phê ngon của người Việt vẫn chủ yếu dựa vào hương liệu, phụ gia. Người tiêu dùng Việt thích dùng cà phê có 4 đặc điểm “đặc, đắng, sánh, bọt” nên các hộ sản xuất thường pha trộn tạp chất nhằm đáp ứng thị hiếu, gu thưởng thức của người dùng. Cà phê thật khi pha thường bị thực khách chê loãng, không thơm. Nhiều cơ sở sản xuất cà phê kém chất lượng cũng đã được phát hiện và đình chỉ kinh doanh, tuy nhiên đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng nghìn những cơ sở chế biến, rang xay cà phê mà các cơ quan chức năng chưa thể quản lý hết.
Mới đây, ngày 15/7, Đoàn thanh tra liên ngành thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh sản xuất cà phê độn đậu nành, với hệ thống rang xay cà phê không đảm bảo vệ sinh, cùng nhiều loại hương liệu, phẩm màu phục vụ cho quá trình chế biến. Các cơ sở này cho biết, ngoài kinh doanh cà phê nguyên chất còn nhận gia công sản phẩm cà phê độn cho nhiều mối hàng, với giá 45.000 đồng/kg.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng phải kiểm tra xem thứ nhất người ta có dùng đậu tương để trộn vào cà phê không, nếu đậu tương trộn thì bắt buộc phải ghi ngoài bao bì là hạt đậu tương rang, không phải cà phê rang, nếu không phải tịch thu tiêu hủy vì như vậy là gian lận thương mại, phải xử phạt theo luật xử phạt hành chính. Nhưng nếu người ta rang đậu tương hoặc cà phê bị mốc thì như thế là làm cho thực phẩm mất an toàn.
Theo các chuyên gia, cà phê không có cafein, hoặc có nhưng hàm lượng thấp là loại cà phê độn ngũ cốc rang cháy, trộn thêm hương liệu. Nguyên liệu để làm cà phê giả là cau đắng, ngô và đậu nành, hương liệu hóa chất.
Vỏ quả cau vốn đã đắng, được nướng cháy thành than nên khiến người tiêu dùng nhầm thành vị đắng cà phê. Hạt ngô, đậu nành tạo ra bột tương đối giống cà phê. Đồng thời sau khi rang các loại hạt này cũng tạo nên độ thơm, ngậy.
Hương liệu hóa chất dễ dàng mua tại các cửa hàng hương liệu với nguồn gốc khó đảm bảo sự an toàn. Để tạo mùi, người ta sử dụng tinh cà phê, chủ yếu làm từ hóa chất, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại. Các loại phụ gia khác như hóa chất tạo bọt, tạo sánh chỉ dùng trong công nghiệp, không được dùng cho thực phẩm bởi nó độc hại và có nguy cơ gây vô sinh, ung thư đều được sử dụng trong sản xuất cà phê giả.
Phẩm màu công nghiệp giá rẻ hơn từ 3 đến 4 lần so với phẩm màu dùng cho thực phẩm nhưng cho màu sắc tươi, bền. Việc rang cháy đậu nành để cho giống cà phê thật sẽ làm phân hủy các thành phần dinh dưỡng và nó sẽ sản sinh ra các chất rất độc hại cho người sử dụng.
Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam cho biết: Công nghệ phát triển để làm xà bông và các công nghệ khác nhưng người ta lại áp dụng vào sản xuất thực phẩm ví dụ như sản xuất cà phê, tạo nên bọt để sản xuất xà bông lại áp dụng vào cà phê, đây là do sự chủ động của những người sản xuất cà phê đưa vào. Người bán hóa chất không có lỗi mà người mua mới có lỗi, họ biến nó đi thành sai mục đích. Cơ quan quản lý nhà nước hiện nay chỉ kiểm tra ở nơi bán, kiểm tra như vậy không đúng mà phải kiểm tra cơ sở sản xuất, kiểm tra trên sản phẩm lưu thông trên thị trường, thì cái này nhà nước đang bỏ ngỏ.
Việt Nam vốn được mệnh danh là thủ phủ cà phê của thế giới, nhưng việc người tiêu dùng Việt vẫn phải sử dụng cà phê giả, kém chất lượng hàng ngày quả là nghịch lý. Nhiều vụ việc về sản xuất cà phê kém chất lượng cũng đã được phát hiện nhưng cà phê giả vẫn xuất hiện ở khắp nơi. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chuyên môn cần phải vào cuộc quyết liệt nhằm điều tra, thẩm định chất lượng sản phẩm, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm cà phê sạch. Đồng thời tăng cường xử lý nghiêm các cơ sở làm cà phê giả, cà phê kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho người dân, tạo chỗ đứng vững vàng cho các cơ sở sản xuất cà phê chân chính.