Ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, Indonesia gồng mình đối phó "bom hẹn giờ"

0:00 / 0:00
0:00
Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch, khiến cuộc khủng hoảng y tế tại nước này có nguy cơ mất kiểm soát.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại Jakarta (Ảnh: Reuters). Nhân viên mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại Jakarta (Ảnh: Reuters).

Ngày 21/6, các số liệu thống kê chính thức cho thấy Indonesia đã ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong ngày với 14.536 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 2 triệu người, trong đó gần 55.000 người chết. Đây là số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất tại Indonesia kể từ đầu dịch.

Cột mốc 2 triệu ca nhiễm tại Indonesia được ghi nhận trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng gấp đôi trong những tuần gần đây. Trong khi đó, các nhà chức trách Indonesia cũng xác nhận sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định số liệu thống kê của chính phủ Indonesia chỉ bằng 10% số ca nhiễm và tử vong trên thực tế. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều do tỷ lệ xét nghiệm thấp và việc truy vết tiếp xúc không hiệu quả.

"Nó bắt đầu nổi lên, giống như một quả bom hẹn giờ", Windhu Purnomo, nhà dịch tễ học tại Đại học Airlangga của Indonesia, cho biết.

"Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Tùy vào cách mọi thứ được xử lý, chúng ta có thể đối mặt với một đợt bùng phát dịch lớn như ở Ấn Độ", chuyên gia Purnomo nhận định.

Số ca nhiễm tăng đột biến khi Indonesia phải vật lộn đối phó với các chủng virus mới, bao gồm biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ.

Sự gia tăng số ca nhiễm cũng xuất phát từ việc hàng triệu người đi lại khắp nơi ở Indonesia, quốc gia với đa số người dân theo đạo Hồi, vào tháng lễ Ramadan, bất chấp lệnh cấm của chính phủ.

Các bệnh viện tại thủ đô Jakarta rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh, trong khi đám tang cho các nạn nhân Covid-19 cũng tăng vọt.

"Thật đáng lo ngại", Rahmani, một người dân Jakarta, nói với AFP tại một nghĩa trang, nơi anh dự lễ tang của một người thân chết vì Covid-19.

Việc phớt lờ quy tắc đeo khẩu trang và các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác, cũng như sự hoài nghi về vắc xin Covid-19, là những yếu tố dẫn đến tình trạng dịch bệnh ngày càng tồi tệ tại Indonesia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các biện pháp hạn chế di chuyển cứng rắn hơn tại Indonesia. Sau khi bị chỉ trích vì phản ứng yếu ớt trước đại dịch, chính phủ Indonesia ngày 21/6 cho biết sẽ tạm thời tăng cường các biện pháp hạn chế ở thủ đô Jakarta và các điểm nóng khác, tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa triệt để.

Các biện pháp hạn chế của Indonesia sẽ được triển khai tại các "vùng đỏ" - những vùng có nguy cơ cao. Theo đó, các văn phòng, nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại ở những khu vực này sẽ chỉ được phép hoạt động với 25% công suất.

Các hoạt động tôn giáo tại vùng đỏ sẽ tạm ngừng hoạt động và các điểm tham quan du lịch cũng đóng cửa.

Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tăng cường tiêm chủng để hạn chế sự lây nhiễm của Covid-19. Tuần trước, Indonesia đã tiêm chủng thành công cho ít nhất 700.000 người mỗi ngày.

Tháng tới, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 1 triệu người mỗi ngày.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục