Rao bán cá hồi Australia trên mạng xã hội, chị Hoa ở TP HCM cho biết loại nguyên con chỉ 230.000 đồng một kg, còn phile không đầu giá 250.000 đồng, giảm 70.000-100.000 đồng so với trước.
Theo chị, chưa năm nào giá cá hồi về Việt Nam rẻ như thế. Ngoài cá hồi Australia giảm mạnh thì loại này nhập ở Na Uy cũng xuống thấp.
Mọi năm chị lấy sỉ cá hồi Na Uy gần 400.000 đồng một kg thì nay còn 290.000-330.000 đồng.
Chị cho biết thêm, cá hồi được cấp đông an toàn nên khi về Việt Nam luôn tươi ngon. Chính vì giá tốt, vài ngày qua sức mua thị trường tăng trở lại. Mỗi tuần chị bán 30-50 kg.
Khách có thể cắt khúc hoặc để nguyên con tùy theo nhu cầu. Riêng với những người thích mua đuôi cá hồi phi lê, cửa hàng chị bán giá chỉ 190.000 đồng một kg.
Tương tự, chị Liên ở Vũng Tàu, hơn tháng trước bán cả trăm kg cá hồi nhập khẩu Chile trên chợ mạng với giá 240.000 đồng một kg (loại 3 con một kg), rẻ hơn nhiều so với giá 350.000-450.000 trước đó.
Anh Hoàng, chủ cửa hàng hải sản nhập khẩu ở quận Bình Tân (TP HCM) cũng xác nhận cá hồi đang giảm giá.
Cửa hàng anh bán cá hồi Na Uy giá 270.000 đồng một kg loại nguyên con, bỏ đầu, không nội tạng, còn cá hồi phi lê 330.000 đồng. "Trước đây tôi bán cá phi lê có đợt 598.000 đồng một kg nhưng nay giá chỉ gần bằng một nửa", anh nói.
Việt Nam trước nay thường nhập cá hồi chủ yếu ở 4 thị trường chính là Na Uy, Chile, Australia và Nga. Năm ngoái, Việt Nam nhập 68.931 tấn cá hồi, tăng 13% so với cùng kỳ 2018.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 8.501 tấn cá hồi, tương đương 42,8 triệu USD.
Mỗi kg cá loại này nhập vào Việt Nam chưa tính thuế, phí bình quân ở mức 116.000 đồng một kg. 68,3% lượng nhập về Việt Nam là để làm hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, giá cá hồi tại các hệ thống siêu thị vẫn cao, khoảng 400.000-589.000 đồng một kg. Về lý do giá cao hơn các cửa hàng online, các siêu thị cho biết hàng hóa của họ cộng thêm nhiều chi phí từ bảo quản, quầy kệ đến nhân sự bán hàng, trữ hàng...
Mặt khác, các nhà cung cấp cũng cho rằng, hàng vào siêu thị được kiểm kê chặt nên sản phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng và chất lượng hơn.
Cá hồi giảm sâu chủ yếu do nguồn cung dư thừa khi các thị trường lớn ít nhập vì dịch bệnh.
Theo chị Liên, bên cạnh việc cầu thị trường sụt mạnh sau Tết, có thể do Trung Quốc - nơi tiêu thụ cá hồi lớn nhất thế giới giảm mạnh việc tiêu thụ vì dịch bệnh. Với những khách mua số lượng lớn, chị còn để giá tốt hơn.
Nhiều doanh nghiệp là "chủ thầu" cho các đơn hàng cá hồi xuất khẩu từ Australia, Chile cho đến Na Uy cho biết đang phải ngưng các đơn hàng đi Trung Quốc và giảm đơn hàng đi các nước có dịch bệnh khác.
Theo Seafoodsource.com, Tập đoàn SalmonChile - đơn vị đại diện cho những người nuôi cá hồi lớn nhất Chile cũng như các nhà cung cấp công nghiệp cá hồi..., từ đầu tháng 3 phải dừng các chuyến hàng đến Trung Quốc để đối phó với dịch.
Tình trạng này theo SalmonChile sẽ tái diễn cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Họ cho rằng nhu cầu thị trường hiện đã giảm đến mức tối thiểu.
Chính quyền Trung Quốc đưa các khuyến nghị về tránh tụ tập đã ảnh hưởng đến kinh doanh tại các nhà hàng và chuỗi siêu thị lớn nên sức mua giảm, nhà nhập khẩu hạn chế nhập hàng.