Những băn khoăn trong việc triển khai các quy định
Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận định, trong lĩnh vực tài chính/ngân hàng, định hướng chính sách và quy định pháp luật có mục tiêu tốt, nhưng sự chậm trễ và không nhất quán trong Thông tư hướng dẫn và năng lực của các cơ quan trong việc “hiểu rõ” quy tắc đang là thách thức rất lớn.
Ví dụ như, BWG đã có công văn gửi NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng Bộ Tư pháp đề nghị phối hợp hướng dẫn cụ thể để quy định về việc thực hiện ủy thác cho vay giữa DN và tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Thông tư 30/2014/TT-NHNN có tính khả thi.
Một minh chứng cụ thể hơn được đề cập là, tại khoản 4, Điều 1 Pháp lệnh số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối quy định: “DN có vốn FDI, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một TCTD được phép. Việc góp vốn đầu tư, chuyển vốn đầu tư gốc, lợi nhuận và các khoản thu hợp pháp khác phải thực hiện trong qua tài khoản này… Các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và theo hướng dẫn của NHNN”.
Trên thực tế, để thực hiện quy định nêu trên, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động FDI vào Việt Nam.
Theo đó, BWG hiểu rằng trong trường hợp: thứ nhất, một nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú chuyển nhượng vốn đầu tư của mình trong DN có vốn đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư nước ngoài cho một nhà đầu tư nước ngoài khác là người không cư trú; thứ hai, một nhà đầu tư trong nước là người cư trú chuyển nhượng vốn đầu tư trong DN có vốn đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư nước ngoài cho một nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú thì giá trị chuyển nhượng vốn được phép định giá, thanh toán bằng tiền ngoại tệ và phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà DN đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh mở tại một ngân hàng được phép.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn băn khoăn trong việc triển khai, rất mong NHNN hướng dẫn cụ thể vấn đề này”, ông Nirukt Sapu, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, đại diện BWG chia sẻ.
Bà Sherry Boger nói: “Chúng ta cần cải thiện: thứ nhất, năng lực thực hiện ở cấp độ thực hiện, đặc biệt trong việc cấp phép; thứ hai, sự phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề phạm vi rộng trong quy định; thứ ba, hệ thống xử lý các vấn đề ở “cấp thực hiện”.
Và những chậm trễ mang tính thủ tục
Bên cạnh những kiến nghị mới, các vấn đề cũ chờ giải quyết tiếp tục được BWG nhắc lại. Cụ thể như, theo quy định tại Điều 89.1, Luật Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần phải có sự phê chuẩn bằng văn bản của NHNN đối với cơ cấu tổ chức của mình trước khi thực hiện. Tuy nhiên, tất cả các đề nghị phê chuẩn cơ cấu tổ chức của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho đến nay (hơn 2 năm nay) đều chưa được phê duyệt với lý do là chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện Điều 89.1.
Điều này dẫn đến rủi ro cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện triển khai cơ cấu tổ chức mà chưa được NHNN phê chuẩn.
“Tiếp tục trì hoãn việc làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến giấy phép sẽ đặt các ngân hàng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và rủi ro về pháp lý. Đề nghị NHNN thúc đẩy việc phê chuẩn và trong thời gian chờ đợi, cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tiếp tục triển khai cơ cấu tổ chức của mình theo các quy định hiện hành”, ông Nirukt Sapu nói.
Đặc biệt, liên quan đến việc hoàn trả khoản 20% trợ cấp lãi suất được hưởng theo chương trình hỗ trợ lãi suất kết thúc năm 2009, các ngân hàng phàn nàn về việc phải chờ đợi trong nhiều năm qua. Đại diện BWG cho biết, sau một số buổi làm việc từ cuối năm 2012 với NHNN, Nhóm đã trình bày rằng, các số liệu đã được kiểm tra và chốt chính thức đối với một số ngân hàng thành viên của BWG. Thực tế đây là một vấn đề phức tạp có liên quan đến bảng cân đối tài khoản ngân sách nhà nước và tình hình tài chính quốc gia.
“Tuy nhiên, việc các khoản trợ cấp lãi suất tích dồn chưa được hoàn trả đang ngày càng làm phát sinh nhiều vấn đề cho các ngân hàng, liên quan đến hệ thống kế toán quốc tế và kiểm toán báo cáo tài chính. Do vậy, BWG đề nghị NHNN có kết luận về vấn đề trên và chỉ đạo tiến hành hoàn trả các khoản trợ cấp này trong thời gian sớm nhất có thể”, đại diện BWG chia sẻ.
Ông Nirukt Sapu kiến nghị: “Để phát triển dịch vụ tài chính hiện đại: thứ nhất, xây dựng khung thể chế; thứ hai, giảm bớt các biện pháp hành chính thông qua áp dụng mạnh mẽ cơ chế thị trường, trao quyền tự chủ cho các ngân hàng; thứ ba, cho “tất cả” vào một “giỏ” là không phù hợp như quy định về hạn mức tăng trưởng tín dụng có lợi cho ngân hàng quy mô lớn chứ không phải cho các ngân hàng tốt. Bên cạnh đó, rất mong NHNN cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm tới để có kế hoạch đầu tư phù hợp”.
Trả lời các vấn đề BWG đặt ra, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, đến cuối năm nay, sau khi có các chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra về tăng trưởng kinh tế, lạm phát… NHNN sẽ tính toán và đưa ra định hướng về tăng trưởng tín dụng. Nhưng về cơ bản, vẫn tiếp tục phương châm tăng trưởng tín dụng mở rộng, đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Về cho vay ủy thác, NHNN đang chỉ đạo các vụ, cục chức năng rà soát và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể đề xuất phương án xử lý phù hợp. Đối với việc cấp phép hoạt động ngân hàng theo quy định mới ban hành, NHNN đang trong giai đoạn cuối cùng của việc ban hành các thủ tục bổ sung cấp phép đối với hoạt động của TCTD. Song song với việc này, vẫn đang tiếp tục thẩm định, bổ sung giấy phép hoạt động của các TCTD khi có đề nghị nhằm đảm bảo các TCTD hoạt động không bị gián đoạn”, bà Hồng nói.