BVSC: Cơ hội nâng tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI có thể thu hút thêm 200 triệu USD lượng vốn mới

(ĐTCK) Theo Báo cáo thường niên của CTCK Bảo Việt (BVSC), thách thức trong năm 2020 là  sự khó lường của bối cảnh vĩ mô quốc tế, đặc biệt liên quan đến rủi ro mới là dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng có những cơ hội đến từ kinh tế vĩ mô Việt Nam có tính ổn định cao, khả năng nâng tỷ trọng trong rổ chỉ số MSCI và có thêm các quỹ ETF mới đầu tư vào thị trường. 
Ảnh Lê Toàn Ảnh Lê Toàn

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 sẽ mang lại lòng tin rất lớn cho nhiều nhà đầu tư vào hệ thống chính trị của Việt Nam. Bên cạnh đó, dù tăng trưởng GDP sẽ giảm tốc, nhưng ổn định của hệ thống ngân hàng, cùng khả năng các chỉ số vĩ mô khác biến động trong tầm kiểm soát của Chính phủ sẽ là điểm nhấn tích cực, tạo ra sức hút cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, vào tháng 5/2020, hoạt động tái cơ cấu danh mục của tổ chức xây dựng chỉ số MSCI sẽ chính thức diễn ra khi Kuwait được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market - FM) lên thị trường mới nổi (Emerging market). 

Sau khi Kuwait được nâng hạng, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI dự kiến sẽ được nâng từ mức 17% hiện nay lên mức gần 30%, tương ứng thu hút thêm lượng vốn mới có giá trị khoảng 200 triệu USD. 

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều cơ hội để được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo chỉ số FTSE hay MSCI.

Thị trường còn có thể kỳ vọng vào các quỹ ETFs hoạt động dựa trên các bộ chỉ số mới là Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND), Vietnam Financial Select Sector Index (VN FIN SELECT), Vietnarn Leading Financial Index (VN FIN LEAD), được xây dựng bởi HOSE.

Các cổ phiếu trong rổ của 3 bộ chỉ số này phần lớn đã hết tỷ lệ được phép mua của khối ngoại. Việc ra đời của các quỹ ETFs này giải quyết một phần nhu cầu đầu tư của khối ngoại vào các cổ phiếu chất lượng nhưng đã hết hoặc còn lại room không đáng kể. Sự ra đời các quỹ ETFs nội này kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại và qua đó hỗ trợ tích cực đến sức cầu của thị trường.

Dù vậy, thị trường sẽ gặp thách thức từ sự khó lường của bối cảnh vĩ mô quốc tế, đặc biệt liên quan đến rủi ro mới là dịch bệnh Covid-19 . 

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết, hay khả năng gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Triển vọng kinh tế giảm tốc, nhiều rủi ro khiến tâm lý của nhà đầu tư e ngại khi lựa chọn các tài sản mang tính rủi ro cao như cổ phiếu trong ngắn hạn. 

Các sự kiện quan trọng khác như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 hay xung đột thương mại Mỹ-Trung, dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn sự khó lường là những rủi ro đáng lưu ý khác đối với thị trường chứng khoán.

Còn một rủi ro khác cần chú ý, theo BVSC là rủi ro từ các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có tốc độ phát triển rất nhanh trong 2 năm gần đây. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành cả năm 2019 là 296,71 ngàn tỷ đồng. Năm 2018 giá trị này là 224 ngàn tỷ, còn năm 2017 giá trị phát hành  đạt 115 ngàn tỷ. 

Như vậy, sau 2 năm, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã tăng gấp 2,5 lần. Với tốc độ phát triển nhanh, trong khi điều kiện kinh doanh năm 2020 lại không thuận lợi như những năm trước có thể khiến rủi ro của thị trường này tăng lên và từ đó có thể tác động không tích cực tới thị trường cổ phiếu.

Năm 2020, BVSC đặt kế hoạch tổng doanh thu 533 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, giảm nhẹ về doanh thu nhưng nhích nhẹ so với thực hiện năm 2019. Kế hoạch được đặt ra với dự báo về điều kiện thị trường là VN-Index trung bình quanh mức 990 - 1.040 điểm trong năm 2019. Giá trị giao dịch trung bình phiên đạt khoảng 5.400 tỷ đồng/phiên. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 1.083 tỷ đồng.

Nhưng, kế hoạch này có thể được điều chỉnh để sát với tình hình thực tế tăng trưởng kinh tế và TTCK trước tác động của dịch Covid – 19.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục