Bước vào chu kỳ giảm, ngành phân bón đón quý đầu năm “buồn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp phân bón vừa trải qua quý đầu năm 2023 không mấy thuận lợi khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, và tình hình này có thể còn tiếp diễn trong các tháng tới bởi sức ép dư cung đang lớn. 
Bước vào chu kỳ giảm, ngành phân bón đón quý đầu năm “buồn”

Bức tranh quý I kém sắc

2022 là năm bội thu của ngành phân bón khi các doanh nghiệp lần lượt gặt hái lợi nhuận cao kỷ lục và vượt xa kế hoạch năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, toàn ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2023, cả nước xuất khẩu 126.638 tấn phân bón các loại, đạt 54,62 triệu USD, giá 431,3 USD/tấn, giảm trên 16% cả về khối lượng và kim ngạch nhưng tăng nhẹ 0,2% về giá so với tháng 2/2023. So với tháng 3/2022, xuất khẩu tăng 4,2% về lượng, nhưng giảm 16,4% kim ngạch và giảm 19,7% giá.

Trong quý đầu năm, cả nước xuất khẩu 404.912 tấn phân bón các loại, tương đương 183,58 triệu USD, giá trung bình 453,4 USD/tấn, giảm 14,6% về khối lượng, giảm 40,2% về kim ngạch và giảm 30% về giá so với quý I/2022.

Sự suy giảm này cũng phản ánh rất rõ vào kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp khi lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí ghi nhận tình trạng lỗ.

Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (mã DPM - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 262 tỷ đồng, giảm 88%. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây của DPM. Biên lợi nhuận doanh nghiệp cũng rơi mạnh từ 48,4% về mức 16%.

Công ty cho biết, giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán ure giảm 44%) đồng thời giá khí tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận quý I giảm.

Trong năm 2023, DPM công bố kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, quý I/2023 Công ty đã hoàn thành được 19% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tương tự, Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM - sàn HOSE) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 33%, xuống còn 2.734,7 tỷ đồng do giá phân bón giảm mạnh (giá bán ure bình quân quý I giảm hơn 32%). Riêng doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm 60%, xuống còn 884 tỷ đồng khiến DCM chỉ còn lãi 230 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong 7 quý gần đây của DCM.

Với kế hoạch năm 2023 là tổng doanh thu 13.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.383 tỷ đồng, kết thúc quý I, DCM đã hoàn thành lần lượt 20,3% và 16,6% kế hoạch năm.

CTCP DAP – Vinachem (mã DDV - UPCoM) công bố sản lượng tiêu thụ quý I đạt 49.996 tấn, tăng 3.250 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tuy sản lượng bán tăng nhưng doanh thu thuần giảm hơn 14%, xuống 737 tỷ đồng, do giá bán liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Cùng với chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh, DDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2023 vỏn vẹn 144,3 triệu đồng, giảm hơn 99% so với mức lãi 136,5 tỷ đồng của quý I/2022.

Năm nay, DDV kỳ vọng đạt 115,2 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm gần 70% so với năm trước, bởi tồn kho DAP trong nước đang ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp vào những tháng cuối năm 2022. Ngoài ra, giá bán phân bón nói chung, DAP nói riêng đều sụt giảm mạnh dẫn tới ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, Phân bón Bình Điền (mã BFC) còn báo lỗ gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 86,3 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá liên tục xuống, tiêu thụ giảm mạnh do thị trường có tâm lý chờ giảm giá thêm mới mua hàng và đại lý không nhập hàng để giảm tồn kho nên kinh doanh trong kỳ ghi nhận âm.

Kết quả quý đầu năm của BFC đang cách rất ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 220 tỷ đồng được ĐHĐCĐ giao phó. Sang quý II, ban lãnh đạo BFC đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất đạt 79 tỷ đồng để bù đắp cho khoản lỗ quý I với mục tiêu không điều chỉnh kế hoạch đã đề ra.

Sức ép dư cung

VCBS thống kê, trong quý /2023, giá phân bón thế giới ghi nhận mức giảm sốc 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, giá ure suy yếu ở tất cả các thị trường từ quý IV/2022 bởi một số nhà máy ure ở châu Âu vận hành trở lại do giá khí tự nhiên giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu khiến nguồn cung tăng lên càng đè nặng lên áp lực giá.

Ngoài ra, chi phí sản xuất giảm, logistics thông suốt, cước vận chuyển giảm mạnh trong khi nhu cầu sử dụng phân bón yếu cũng là yếu tố khiến giá phân bón giảm.

Sang đến đầu tháng 4, giá ure thế giới vẫn tiếp tục và xuống mức 307,5 USD/tấn - mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi giữa tháng 4/2022, giá loại hàng hóa này đã giảm đến 70% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tình hình được dự báo chưa thực sự khả quan do nguồn cung gia tăng tại các khu vực chính bao gồm châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Còn trong nước, nhu cầu nội địa suy yếu. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, diện tích sạ lúa hè thu vẫn chưa gia tăng đáng kể, nhu cầu phân bón thấp khiến các thương nhân, đại lý nhập hàng cầm chừng do lo ngại giá tiếp tục giảm. Tại miền Trung, lúa Đông Xuân cuối tháng 4 bắt đầu thu hoạch nên nhu cầu sử dụng ure ở mức thấp, lúa Đông Xuân tại miền Bắc trong giai đoạn chăm bón nhưng lượng tiêu thụ ure cũng giảm.

Đồng thời, nhập khẩu gia tăng trong khi các nhà máy, đại lý nội địa còn nhiều hàng tồn kho nên thị trường chịu sức ép dư cung.

Điều này dẫn tới biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ ngày càng thu hẹp. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với áp lực tăng trưởng âm do nền so sánh cao trong năm 2022.

Dù giá ure được dự báo giảm so với mức đỉnh năm 2022, tuy nhiên VCBS cho rằng, giá vẫn duy trì ở mức nền cao do giá nguyên vật liệu (khí, than) giảm sẽ giảm áp lực chi phí sản xuất ure. Nhu cầu tiêu thụ ure trong nước có thể sẽ phục hồi 12 – 16% so với cùng kỳ năm ngoái do kỳ vọng giá ure giảm.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thuận lợi trong nửa đầu năm hỗ trợ hoạt động canh tác nông nghiệp, qua đó, thúc đẩy người dân gia tăng diện tích canh tác, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón tăng theo.

Đặc biệt, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu gạo khi nhu cầu gạo thế giới vẫn ở mức cao. Còn Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục