Bước tiến vượt bậc trong chất lượng BCTC

(ĐTCK) Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2013, 2014, chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp niêm yết có những bước tiến đáng kể, không còn mang tính hình thức, đối phó như trước.

Minh bạch hóa các thông tin trên BCTC

Từ việc BCTC chủ yếu cung cấp thông tin về mặt số liệu về tình hình tài chính (bảng cân đối kế toán), tình hình hoạt động kinh doanh (báo cáo kết quả kinh doanh) và tình hình luồng tiền (báo cáo lưu chuyển tiền tệ) cùng một số thông tin thuyết minh sơ sài, mang tính hình thức, đối phó như trước, BCTC những năm gần đây đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt chất lượng.

Cụ thể, các thông tin tài chính được trình bày cụ thể hơn, phân loại rõ ràng hơn, thuận tiện cho việc phân tích các chỉ số tài chính. Nhờ đó mà các chỉ số tài chính phản ánh sát với tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp. Một số nội dung chưa được Nhà nước hướng dẫn cụ thể như trái phiếu chuyển đổi, lãi suy giảm trên cổ phiếu…, nhưng được các doanh nghiệp niêm yết thuyết minh rõ ràng trong BCTC.

Các thông tin, dữ liệu so sánh giữa các kỳ kế toán được doanh nghiệp niêm yết chú trọng trình bày phù hợp, nhất quán, phục vụ hữu hiệu cho việc so sánh, phân tích tình hình phát triển, biến động của doanh nghiệp.

Các thông tin phi tài chính được thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn trước đây rất nhiều. Nếu như trước đây, các chính sách kế toán thường chỉ được doanh nghiệp điền vài từ vắn tắt vào mẫu có sẵn thì nay, các chính sách kế toán đã được các doanh nghiệp trình bày chi tiết, đúng với thực tế của từng doanh nghiệp. Các thông tin về hoạt động kinh doanh, về hệ thống kiểm soát nội bộ có ảnh hưởng đến BCTC cũng được chú ý trình bày ngay trên thuyết minh BCTC.

Bên cạnh đó, không chỉ bó hẹp trong phạm vi những thông tin bắt buộc phải trình bày theo quy định, các doanh nghiệp còn chủ động cung cấp những thông tin bổ sung để người đọc báo cáo có thể hiểu rõ ràng hơn về các số liệu được trình bày trên BCTC. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc minh bạch hóa các thông tin trên BCTC.

Việc lập và trình bày BCTC đã coi trọng bản chất của các nghiệp vụ kinh tế hơn. Trước đây, BCTC lấy số liệu từ sổ kế toán một cách khá máy móc. Nhưng nay, việc lập và trình bày BCTC không còn là phép “chuyển số liệu” từ sổ kế toán lên, các doanh nghiệp đã chú trọng rất nhiều đến các bút toán điều chỉnh, phân loại lại trên BCTC, các bút toán khử giao dịch nội bộ để đảm bảo số liệu tài chính không chỉ được trả về đúng bản chất, mà còn là những con số biết nói lên tình hình thực tế của đơn vị.

Việc lập và trình bày các BCTC đã bám sát hơn các chuẩn mực kế toán. Nếu như trước đây, chuẩn mực kế toán là vấn đề xa lạ và quá khó hiểu đối với các doanh nghiệp thì nay, các doanh nghiệp niêm yết đã thể hiện rõ việc nhận thức đúng đắn và tương đối đầy đủ về chuẩn mực kế toán. Các vấn đề phức tạp như: các ước tính kế toán, rủi ro tiềm tàng, giá trị hợp lý, giá trị thuần có thể thực hiện, bên liên quan, công cụ tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại… cũng không còn là vấn đề xa lạ, mà được doanh nghiệp niêm yết nhận thức rõ ràng và áp dụng phù hợp vào BCTC.

Bước tiến bộ đáng kể trên BCTC của các doanh nghiệp niêm yết là các đơn vị này đã thoát ly khỏi lối tư duy đồng nhất giữa kế toán tài chính và kế toán vì mục đích thuế. Trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay đã phản ánh đầy đủ hoạt động kinh doanh của đơn vị trong năm tài chính, mà không còn lệ thuộc vào vấn đề “được”, “không được” theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, các BCTC cũng đã thuyết minh rõ ràng phương pháp xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó thể hiện rõ việc giải quyết các vấn đề khác biệt giữa kế toán tài chính và quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu điều chỉnh tăng, giảm lợi nhuận kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

Sự khác biệt số liệu giữa BCTC do doanh nghiệp niêm yết tự lập và BCTC đã được kiểm toán cũng được thu hẹp khoảng cách hơn trước. Thông thường, sau thời điểm kết thúc niên độ, kỳ kế toán giữa niên độ, các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố BCTC tự lập, sau đó mới công bố BCTC đã được công ty kiểm toán kiểm toán hoặc soát xét. Nếu như những năm trước đây, vấn đề chênh lệch số liệu giữa BCTC do đơn vị tự lập và BCTC đã được kiểm toán còn phổ biến, thì trong những năm gần đây, đặc biệt là năm tài chính 2014, tình trạng này đã được hạn chế đáng kể. 

Nhờ đâu?

Có một số yếu tố chính mang lại sự chuyển biến trong chất lượng BCTC nêu trên như sau:

Thứ nhất là chế tài, quy định của pháp luật được tăng cường. Với việc ra đời các văn bản pháp luật về xử phạt hành vi vi phạm trong kế toán, kiểm toán, trong đó có quy định riêng cho các doanh nghiệp niêm yết đã lập nên một hành lang pháp lý đủ mạnh, tạo khuôn khổ hoạt động cho tất cả các doanh nghiệp niêm yết, hạn chế các hành vi sai phạm.

Thứ hai là vai trò quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được nâng cao. Phát huy vai trò quản lý nhà nước, UBCK đã giám sát chặt chẽ các BCTC công khai trên sàn chứng khoán, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết và công ty kiểm toán kịp thời giải trình các vấn đề trên BCTC trước kiểm toán, các vấn đề ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán và chênh lệch giữa BCTC trước và sau kiểm toán, từ đó góp phần uốn nắn hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết vào khuôn khổ, hạn chế các gian lận, sai sót ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư. Ngoài ra, thông qua việc lựa chọn các công ty kiểm toán có trình độ, năng lực phù hợp được phép kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết, UBCK cũng đã thúc đẩy đáng kể vào việc nâng cao chất lượng BCTC của doanh nghiệp niêm yết.

Thứ ba là nỗ lực của các công ty kiểm toán. Bản thân công ty kiểm toán trong quá trình hoạt động phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ chuẩn mực kiểm soát chất lượng và các chuẩn mực kiểm toán, kế toán có liên quan. Hơn thế, các công ty kiểm toán được lựa chọn để kiểm toán doanh nghiệp niêm yết đều là những công ty lớn, có kinh nghiệm và chất lượng kiểm toán cao, do đó tự bản thân họ luôn có ý thức duy trì tính thận trọng và giữ gìn uy tín, hình ảnh của công ty.

Vì vậy, chất lượng kiểm toán BCTC luôn được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, với vai trò giám sát của UBCK như đã đề cập ở trên, bất kỳ sai sót nào trong BCTC đã được kiểm toán đều bị UBCK nhắc nhở, nên công ty kiểm toán và doanh nghiệp được kiểm toán luôn phải cẩn trọng trong việc lập và trình bày các báo cáo một cách trung thực, hợp lý nhất.

Thứ tư, chất lượng BCTC được nâng cao còn bắt nguồn từ doanh nghiệp niêm yết, đơn vị lập BCTC. Để thu hút nhà đầu tư, xây dựng uy tín, thương hiệu và từ đó tăng giá trị cổ phiếu, doanh nghiệp niêm yết tự thân đã có ý thức trình bày BCTC phù hợp, minh bạch. Đối với những doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn xử lý sạch báo cáo, không treo gác với phương châm “đau một lần”, thực hiện cuộc đại phẫu nhằm tái cơ cấu, thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại và đón chào thời cơ mới trong tương lai.

Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể khắc phục được khó khăn, không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư đã chấp nhận công bố tình hình tài chính thực và rút lui khỏi sàn giao dịch chứng khoán, nhường lại sân chơi lành mạnh cho những doanh nghiệp mới, có năng lực thực sự.

Nhìn chung, cùng với sự cố gắng từ nhiều phía, chất lượng BCTC của doanh nghiệp niêm yết đã từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng BCTC. Thêm nữa, với sự ra đời của Thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế Quyết định 15/2006/QĐ-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp và Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn về hợp nhất BCTC, đã giải quyết tương đối toàn diện các yêu cầu cụ thể, minh bạch hóa thông tin, chú trọng bản chất hơn hình thức, mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Điều này dự báo sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng BCTC trong thời gian tới, người sử dụng BCTC có cơ sở để tin tưởng rằng, BCTC các doanh nghiệp niêm yết ngày càng minh bạch, trung thực.

Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Hãng kiểm toán AASC
Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục