Đã hứa là thực hiện
“Chúng tôi đang bám rất sát mục tiêu đưa vào khai thác tạm 68,54 km đoạn từ nút giao Vạn Giã đến nút giao Quốc lộ 27C, Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Vân Phong - Nha Trang để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Ất Tỵ 2025”, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết.
Sơn Hải chính là một trong 3 nhà thầu thi công Dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép thông xe sớm 68,54/83,35 km chiều dài toàn tuyến vào ngày 10/1/2025.
Dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang là một trong số 12 dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có công địa nằm trọn vẹn địa phận tỉnh Khánh Hòa, gồm 2 gói thầu xây lắp, khởi công ngày 1/1/2023.
Ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư) cho biết, nếu chiểu theo hợp đồng gốc thì phải đến ngày 31/11/2025 mới phải hoàn thành.
Tuy nhiên, thực hiện lời hứa với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra về tình hình triển khai một số dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 (ngày 29/4/2024), các nhà thầu đã tăng cường máy móc, thiết bị, thi công 3 ca, 4 kíp với mục tiêu hoàn thành công trình trước ngày 30/4/2025, rút ngắn gần 7 tháng so với hợp đồng.
“Nếu các nhà thầu đưa vào khai thác 68,54 km vào ngày 10/1/2025 thì họ sẽ lại một lần nữa tự phá mốc tiến độ, nâng tổng thời gian thi công được rút ngắn lên gần 1 năm”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Đây là mục tiêu không dễ, bởi hiện nay khu vực tỉnh Khánh Hòa đang là cao điểm mùa mưa (từ tháng 10 đến nay trung bình mưa khoảng 10-18 ngày/tháng, cá biệt tháng 12 có 13/19 ngày mưa liên tục).
Việc thi công các hạng mục còn lại khó khăn, đặc biệt là các hạng mục thi công thảm bê tông nhựa, hạng mục sơn kẻ vạch mặt đường phụ thuộc vào công tác hoàn thiện mặt đường nhựa (có thể ảnh hưởng đến chất lượng khi thi công gặp phải trời mưa bất thường).
“Đây là cuộc đua vì danh dự của các nhà thầu hàng đầu Việt Nam, nên các đơn vị thi công đang tiếp tục huy động thêm máy móc, nhân lực; bố trí lại dây chuyền để hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc còn lại trong 10 ngày tới như cam kết. Chúng tôi muốn chứng minh, nếu có quyết tâm, được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà thầu Việt Nam có thể lập nên được nhiều kỳ tích”, đại diện Sơn Hải cho biết.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, nếu “cú vượt vũ môn” này được hoàn thành thì sẽ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn cho các đơn vị thi công khác cũng đang trong “Đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc” được đích thân người đứng đầu Chính phủ phát động vào ngày 18/8/2024.
Được biết, theo kế hoạch dự kiến, trong năm 2025, Bộ GTVT sẽ hoàn thành 1.188 km đường bộ cao tốc, gồm 28 dự án/dự án thành phần, trong đó 16 dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản.
Đến thời điểm này, khi đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm đã đi qua 1/4 chặng đường, đã có khoảng 14 dự án thành phần với tổng chiều dài 771 km đang triển khai đáp ứng kế hoạch hoàn thành năm 2025, trong đó một số dự án thành phần có thể về đích trước ngày 31/12/2025.
Tại Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, một trong những dự án có nền địa chất phức tạp nhất tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã cam kết hoàn thành Gói thầu XL1 (Km0 - Km30) vào ngày 30/6/2025, vượt tiến độ 6 tháng; hoàn thành Gói thầu XL2 (Km30 - Km57+200) vào ngày 30/8/2025, vượt tiến độ 4 tháng.
Riêng Gói thầu XL3 Km57+200 - Km88 với đường găng là hầm đường bộ số 3 dài 3.200 m, dù phải đối mặt với những thách thức rất lớn về địa chất, cũng sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2025.
Khí thế thi công thần tốc không chỉ diễn ra tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, nhịp độ thi công nước rút đã lan tỏa trên hầu hết các dự án xây dựng đường cao tốc huyết mạch khác do Bộ GTVT và các địa phương làm chủ đầu tư.
Còn tại Dự án thành phần 3, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tập đoàn Sơn Hải đang tập trung tối đa thiết bị, nhân lực để thi công vượt tiến độ 3 - 6 tháng đối với các hạng mục công việc đã ký với chủ đầu tư.
Tập đoàn Sơn Hải còn cam kết hoàn thành 52 km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ngay trong năm 2025, vượt tiến độ 12 tháng, quyết tâm lập kỷ lục mới về tiến độ, đồng thời cam kết là doanh nghiệp hàng đầu về chất lượng thi công.
“Chúng ta đã thấy hình ảnh Thủ tướng Chính phủ gắn liền với cao tốc bằng những chuyến đi kiểm tra, chỉ đạo trên hiện trường hầu hết vào những ngày nghỉ, ngày lễ, Thứ 7, Chủ nhật. Hình ảnh đó đã truyền cảm hứng cho các nhà thầu, người lao động thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết.
|
Tiến độ đi đôi với chất lượng
Trong nhóm những dự án cao tốc theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2026, đã xuất hiện những công trình có thể được rút ngắn tiến độ thi công để có thể hoàn thành trong năm 2025.
Tại Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, sau khi nhận lệnh của Thủ tướng về việc phải hoàn thành 2 công trình này vào ngày 31/12/2025, rút ngắn hơn 12 tháng so với hợp đồng đã ký, Tập đoàn Đèo Cả đã tung vào công trường những đơn vị thiện chiến nhất, những máy móc hiện đại nhất để tổ chức thi công 24/24h.
Theo đó, với Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã huy động 1.132 nhân sự, 398 thiết bị máy móc và triển khai 32 mũi thi công đồng loạt 24/7, hướng tới mục tiêu thông tuyến vào năm 2025. Đến ngày 7/12/2024, hầm Đông Khê dài gần 500 m chính thức được đào thông, vượt 2 tháng so với kế hoạch đề ra.
“Tinh thần năm nay tại 2 công trường cao tốc miền núi phía Bắc này, Tập đoàn sẽ tổ chức thi công xuyên lễ, xuyên Tết. Chúng tôi rất mong được đón Thủ tướng đến động viên anh em công nhân trong những ngày đầu Xuân năm mới”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Được biết, không chỉ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hữu Nghị - Chi Lăng, trong dịp Tết Ất Tỵ sẽ có nhiều công trường thi công xuyên Tết. Lãnh đạo nhà thầu và người lao động sẽ đón giao thừa trên công trường.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), bên cạnh các dự án có khả năng hoàn thành, thậm chí vượt tiến độ, vẫn còn tới 8 dự án/281 km (Bộ GTVT 3 dự án/123 km; các địa phương 5 dự án/158 km) cần phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp mới có thể về đích đúng tiến độ.
Tại Khu vực ĐBSCL, nơi đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm và Dự án Vành đai 3, TP.HCM, việc đáp ứng tổng nhu cầu vật liệu cát đắp khoảng 65,3 triệu m3 đang là nút thắt lớn, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Mặc dù các địa phương đã huy động tối đa các mỏ trên địa bàn để cung ứng cho các dự án theo chỉ tiêu được giao, nhưng thủ tục cấp phép còn chậm và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu của các dự án.
“Để đảm bảo công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án, việc huy động tối đa nguồn cát từ các mỏ trong khu vực (bao gồm cả cát biển) cũng như nguồn cát có sẵn trên thị trường là yêu cầu hết sức cấp bách”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Trong khi đó, với tính chất liên thông của các dự án đường bộ cao tốc, nếu không hoàn thành đúng nhịp các dự án thành phần, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ không thể phát huy trọn vẹn hiệu quả đầu tư.
“Mong muốn nhất là không để tỉnh nào có dự án nằm trong kế hoạch hoàn thành 3.000 km cao tốc trước thềm Đại hội Đảng không hoàn thành. Cả 3.000 km thông từ Bắc đến Nam để bị tắc ở một điểm là không được. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần tránh tâm lý nóng vội. Tiến độ phải đi cùng chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát phải làm đúng, làm chặt, tư vấn giám sát phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tuyệt đối không được để ra sai sót”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT, Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức sơ kết Phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc” vào tháng 1/2025; trong đó có khen thưởng, động viên những địa phương, cơ quan, đơn vị, dự án, cán bộ, người lao động tiêu biểu làm tốt, khắc phục khó khăn, đạt và vượt kế hoạch đề ra; khiển trách, phê bình, kỷ luật những địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, làm chậm tiến độ.
Đánh giá, rà soát đường “găng” (gantt) tiến độ của từng dự án cụ thể và có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án để quyết tâm hoàn thành sớm mục tiêu phong trào thi đua đề ra trước ngày 31/12/2025.
(Trích Thông báo số 564/TB-VPCP ngày 19/12/2024).