Bước đi chiến lược của CEO Intel

(ĐTCK) Tại Diễn đàn dành cho các lập trình viên Intel 2016 (IDF) được tổ chức vào ngày 16 - 18/8 vừa qua, Brian Krzanich, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Intel đã giới thiệu một loạt công nghệ mới nổi bật của Tập đoàn, cũng như công bố chiến lược với các sản phẩm này.

Theo đó, các “bom tấn công nghệ” được nhắc đến bao gồm: giải pháp thực tế ảo “tất cả trong một” Intel Project Alloy, nền tảng điện toán cao cấp Intel® Joule™, sản phẩm Yuneec Typhoon H Drone với chức năng vạch lộ trình - tránh chướng ngại vật, sản phẩm Intel® Euclid™ Developer Kit giúp lập trình viên dễ dàng tạo ra các ứng dụng và tiến trình sản xuất bộ xử lý trên dây chuyền 10 nanometer của Intel Custom Foundry.

Điểm nhấn của bài phát biểu là phần tương lai của “công nghệ thực tế ảo đồng bộ” (Merged Reality). Công nghệ này là một cách mới để trải nghiệm các tương tác thực, thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và ảo đến mức chưa từng thấy, thông qua một hệ thống cảm biến và số hóa thế hệ mới.

“Công nghệ thực tế ảo đồng bộ đem đến những trải nghiệm về thế giới thực một cách sống động và tự nhiên hơn so với các công nghệ trước đây, biến những trải nghiệm không thể thực hiện được trong thế giới thực trở thành có thể”, Brian Krzanich cho biết. Trước đó, Brian từng giới thiệu về công nghệ này trong một blog như: người dùng có thể trải nghiệm chơi tennis ngay tại phòng khách, chơi hai nhạc cụ vĩ cầm và piano cùng lúc, ghé thăm địa danh du lịch mà không cần rời khỏi phòng làm việc…

Trong sự kiện, Intel cũng công bố việc hợp tác với Microsoft để đưa thực tế ảo vào các dòng máy tính cá nhân phổ thông, đồng thời đưa ra các thông số tiêu chuẩn cho thực tế ảo hỗn hợp trên cả máy tính cá nhân lẫn các thiết bị mũ đội đầu trình chiếu. Mục tiêu chung của hai bên là giúp các đối tác phần cứng sản xuất nhiều loại thiết bị dành cho thị trường tiêu dùng phổ thông và thương mại.

Bên cạnh đó, CEO Brian Krzanich cũng nhắc đến sự kiện Intel đang ký kết thỏa thuận với ARM và sắp sửa sản xuất chip smartphone dựa trên công nghệ của ARM tại các nhà máy của Intel. Trên thực tế, ARM là một trong hai đối thủ lớn nhất của Intel trên thị trường chip smartphone, cùng với Qualcomm. Việc kết hợp công nghệ kiến trúc của ARM với dây chuyền sản xuất chip của mình, Intel đủ sức đối đầu với Qualcomm trong cuộc chiến giành thị phần.

Các thỏa thuận giấy phép mới của Intel cũng bao gồm cả việc sản xuất chip cho các hãng như LG Electronics, Netronome và Spreadrum. Lợi ích lớn nhất trước mắt của thương vụ này sẽ đến từ LG Electronics. Đây là hãng sản xuất smartphone đứng thứ 3 trong quý vừa qua, chiếm 14% thị phần ở Mỹ. Cụ thể, các chip được Intel sản xuất dựa trên nền ARM sẽ là "trái tim" trong các thiết bị sắp tới của LG vào năm sau. Ngoài ra, theo các nhà phân tích, rất có thể, Apple sẽ là một khách hàng lớn cho Intel trong tương lai. 

Cách đây không lâu, Intel cũng đã bỏ ra 409 triệu USD để mua lại startup Nervana – nổi tiếng với các chip tích hợp cho các mạng lưới hệ thống chuyên sâu và dịch vụ tính năng trí tuệ nhân tạo. Một trong những thách thức của Intel hiện tại là đưa trí tuệ nhân tạo vào con chip của mình trong trung tâm dữ liệu và thị trường đại chúng. Bằng việc thâu tóm Nervana, hãng sẽ sớm thực hiện được việc tạo ra bộ xử lý ổn định, mạnh mẽ hơn. Đây được coi là động thái nhằm củng cố vị thế hàng đầu của hãng trên thị trường trung tâm dữ liệu thế giới, cũng như chú trọng vào mảng sản xuất chip cho smartphone trong thời kỳ thị trường máy tính cá nhân đang dần thu hẹp lại.

Những thương vụ trên là một phần trong kế hoạch cải tổ mạnh mẽ Intel của CEO Brian Krzanich. Từ đầu năm 2016 đến nay, Krzanich đã đưa ra hàng loạt quyết định vấp phải sự phản đối của nhiều cổ đông, nhân viên như: sa thải 12.000 nhân viên (tương đương 11% nhân lực của Tập đoàn), “thay máu nhân lực” bằng cách tuyển những người trẻ và đào thải lớp nhân viên lớn tuổi, thuê các vị trí quản lý cấp cao từ bên ngoài, chuyển dịch trọng tâm kinh doanh từ cung cấp chip cho máy tính cá nhân sang cho smartphone… Song, với tình hình hiện tại có thể thấy, vị CEO này đã có những bước đi đúng đắn. Giữ chức CEO từ năm 2013, tiếp quản Intel trong một giai đoạn khó khăn khi thị trường máy tính cá nhân giảm mạnh, nhưng Krzanich đã và đang giúp Tập đoàn này củng cố vị thế vững chắc trong làng công nghệ thế giới.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục