Trải qua 4 năm triển khai áp dụng với 1 lần sửa đổi và bổ sung, quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đã cho thấy tính hiệu quả, hiệu lực trong việc giúp các CTCK tự nhìn nhận được sức khỏe tài chính nội tại của mình cũng như giúp cơ quan quản lý trong công tác quản lý, giám sát, hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán nói chung và các CTCK nói riêng, vì sự phát triển ổn định, bền vững của TTCK.
Bước đầu thể chế hóa quy định về an toàn tài chính
An toàn tài chính là một trong những nghĩa vụ mà CTCK phải thực hiện thông qua việc đảm bảo vốn khả dụng theo quy định tại khoản 6, Điều 71, Luật Chứng khoán 2006. Quy định về an toàn tài chính đã được cụ thể hóa bởi Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động CTCK, với tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng nợ điều chỉnh. Chỉ tiêu này đánh giá khả năng trả nợ của các CTCK để đảm bảo cho CTCK luôn có đủ vốn hoạt động.
Song thực tế cho thấy, khi thị trường có những biến động, các rủi ro trong hoạt động kinh doanh chứng khoán như rủi ro thị trường và rủi ro thanh toán sẽ bộc lộ, kéo theo sự suy giảm giá trị của các tài sản tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, CTCK cần phải lượng hóa những tác động mà các rủi ro này gây ra và đưa vào cách tính tỷ lệ an toàn tài chính. Sự ra đời của Thông tư 226/2010 là bước chuyển lớn hoàn thiện quy định về an toàn tài chính của các CTCK so với quy định về tỷ lệ vốn khả dụng theo Quyết định số 27/2007.
Việc áp dụng chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226/2010 đã giúp các CTCK trong việc quản lý không chỉ dựa trên lợi nhuận, mà còn dựa trên rủi ro.
Thông tư 226/2010 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính ra đời đã đặt nền móng đầu tiên cho một hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao khả năng phòng vệ về tài chính cho các tổ chức tài chính trung gian.
Quy định mới về chỉ tiêu an toàn tài chính cũng phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất, đặc biệt là hệ thống các chỉ tiêu an toàn tài chính Basel II, đang được áp dụng rộng rãi tại hầu hết các quốc gia.
Theo quy định mới về chỉ tiêu an toàn tài chính, một CTCK đáp ứng được quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính với tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng giá trị rủi ro đạt từ 180% trở lên sẽ có nhiều cơ hội duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh trong bối cảnh giá trị tài sản suy giảm do những biến động bất lợi của thị trường.
Nói cách khác, quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính mới đã đưa ra một mức vốn quy định tối thiểu làm gốc rễ cho mọi hoạt động tài chính, kinh doanh của CTCK. Chỉ khi nào giữ vững được gốc rễ tài chính này, CTCK mới có cơ sở bền vững để phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Minh bạch hóa tình hình tài chính khối CTCK
Trong quá trình dự thảo Thông tư 226, lấy ý kiến thành viên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được nhiều ý kiến từ các CTCK bày tỏ lo ngại việc áp dụng Thông tư 226 có thể tác động mạnh đến cơ cấu tài sản tài chính của CTCK. Trước lo lắng đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, tập huấn quy định của Thông tư 226 với sự tham dự của các CTCK, công ty kiểm toán.
Đặc biệt, cơ quan quản lý thị trường đã đưa ra lộ trình tuân thủ Thông tư 226, theo đó, các CTCK có khoảng thời gian 1 năm để chuẩn bị, tái cơ cấu tài sản tài chính của mình cho phù hợp với mức độ vốn. Khoảng thời gian làm quen 1 năm, tuân thủ nhưng chưa áp dụng chế tài xử lý đã tránh gây sốc cho hoạt động của các CTCK.
Trong một năm này, các CTCK có điều kiện tự soi lại năng lực tài chính của mình. Những công ty nào trước có tài sản chịu rủi ro vượt quá mức độ hấp thụ và che chắn của vốn khả dụng đã có cơ hội, thời gian cần thiết để giảm quy mô tài sản tài chính hoặc thực hiện tăng vốn chủ sở hữu.
Sau khoảng thời gian làm quen này, cơ quan quản lý đã quyết liệt áp dụng Thông tư 226 đối với khối các CTCK, tăng dần mức độ cưỡng chế thực thi quy định này thông qua việc yêu cầu các CTCK phải rà soát, lập báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính.
Bên cạnh đó, tính minh bạch về thông tin cũng được đặc biệt coi trọng, khi cơ quan quản lý yêu cầu các CTCK phải thực hiện công bố thông tin báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính bán niên và năm đã được kiểm toán. Thực tiễn triển khai Thông tư 226 trong 4 năm qua cho thấy sự minh bạch rõ nét về thực trạng tài chính của CTCK.
Qua đó, không những cơ quan quản lý, chính các CTCK, mà nhà đầu tư, khách hàng, thị trường cũng có cái nhìn rõ ràng hơn về thực trạng tài chính của các CTCK. Minh bạch về tình hình tài chính cũng góp phần tạo ra tác động tương hỗ với minh bạch trong tuân thủ nội bộ, minh bạch trong vấn đề quản trị điều hành của CTCK.
Có thể nói, Thông tư 226 giúp đưa ra một bức tranh tương đối rõ ràng và tổng quan về khối CTCK qua việc phân loại các công ty, trên cơ sở kết quả tính toán tỷ lệ an toàn tài chính. Việc phân loại, bóc tách chỉ tiêu tài chính giúp ban điều hành CTCK nắm rõ thực trạng tài chính của công ty mình, có biện pháp khắc phục; đồng thời, giúp cho cơ quan quản lý xác định các công ty trong diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt. Từ đó, tập trung nguồn lực xử lý những CTCK yếu kém, đảm bảo hoạt động của khối CTCK được an toàn, lành mạnh.
Nền móng cho sự phát triển bền vững của TTCK
Một thị trường chứng khoán chỉ có thể phát triển bền vững và ổn định trên cơ sở các tổ chức trung gian tốt, lành mạnh. Đến lượt mình, để phát triển tốt và lành mạnh đòi hỏi các tổ chức trung gian nói chung và CTCK nói riêng phải dựa trên một nền móng tài chính vững chắc.
Nền móng đó được củng cố và duy trì nhờ cơ chế, công cụ nhận diện nguồn gốc, quy mô rủi ro tại mọi thời điểm để có phương án xử lý kịp thời; hạn chế những rủi ro thông qua hệ các chỉ tiêu cảnh báo sớm và nâng cao năng lực quản trị rủi ro chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226 và Thông tư 165/2012/TT-BTC đã giúp các tổ chức này xem lại, theo dõi sức khỏe tài chính của mình thường xuyên, làm cơ sở vững chắc cho mọi kế hoạch duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh của các CTCK.