Bùng nổ xu hướng “ly tâm”

(ĐTCK) Nếu như trước đây, gần trung tâm là lựa chọn hàng đầu của đại đa số người có nhu cầu về nhà ở do thuận tiện việc đi lại, thì hiện tại đã có sự thay đổi lớn khi nhiều người chọn xu hướng “ly tâm”.
Bất động sản khu vực trung tâm ngày càng hiếm và giá tăng cao. Ảnh: Lê Toàn.

Chọn nơi xa để sống

Hiện nay, giá nhà đất ở khu vực trung tâm không ngừng tăng cao, cùng với đó là sức “nén” mật độ dân cư ngày càng quá tải. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, mật độ dân số tại vùng lõi TP.HCM đã tăng lên mức 25.000 người/km2, cộng với lượng phương tiện giao thông lớn, đã làm môi trường sống tại khu vực trung tâm trở nên ồn ào, ngột ngạt, chất lượng không khí suy giảm.

Bởi vậy, thời gian gần đây, nhiều người từ chỗ sinh sống và làm việc tại những khu vực trung tâm thành phố đã chuyển ra các khu vực ven đô để thay đổi môi trường sống. Thực tế này đã trở thành một xu hướng không chỉ của những người có thu nhập trung bình, mà cả với nhóm thu nhập cao.

Trong một lần trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Hải - luật sư đang làm việc tại một công ty luật có trụ sở tại quận 10, TP.HCM cho biết, nhiều năm trước, gia đình anh từng sinh sống ở vùng ven của quận 9, nhưng vì làm việc ở trung tâm nên anh đã bán nhà, mua một căn nhà khác trong một con hẻm ở quận 3.

Tuy nhiên, mới đây, anh đã làm điều ngược lại, bán nhà trung tâm để ra vùng ven quận Thủ Đức mua một căn nhà khá rộng, có sân vườn để sinh sống.

“Trước đây, chỉ có 2 vợ chồng, ban ngày đi làm, tối mới về nhà nên không cảm thấy chật chội. Tuy nhiên, sau khi có 2 đứa con, ngôi nhà chưa đầy 50 m2 ở trung tâm trở nên quá ngột ngạt, không có không gian để thư giãn. Hơn nữa, do bị bủa vây bởi khói bụi, tiếng ồn… nên con cái thường hay bị các bệnh viêm họng, viêm mũi”, anh Hải lý giải nguyên nhân bán nhà ở trung tâm để ra vùng ven.

Trường hợp của anh Sơn - một kỹ sư môi trường làm việc cho một công ty chuyên sản xuất máy lọc nước, sau hơn 20 năm sống tại quận Gò Vấp, năm 2024, gia đình anh quyết định thay đổi chỗ ở.

Lý do thay đổi, theo anh Sơn, xuất phát từ một lần ghé chơi nhà người bạn ở Lái Thiêu, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương và nhận thấy môi trường sống khu vực này trong lành, mật độ dân cư không quá đông và khoảng cách di chuyển vào trung tâm thành phố cũng không quá xa, đặc biệt là giá đất tại đây còn “mềm”. Trong khi đó, khu vực nơi gia đình anh đang sinh sống càng ngày càng đông đúc, chật chội, tình trạng kẹt xe diễn ra hàng ngày.

“Sau khi bán căn nhà ở Gò Vấp được gần 20 tỷ đồng, tôi đã mua một căn nhà vườn ở Lái Thiêu với giá gần 15 tỷ đồng.

Vừa có nhà mới, vừa dư thêm được một khoản tiền làm vốn, phía trước nhà có cả một công viên đi bộ và đặc biệt, ngôi nhà còn có mảnh vườn khá lớn để trồng rau, trồng hoa nên cuộc sống trở nên dễ chịu”, anh Sơn nói và chia sẻ thêm, may mắn nữa là giờ đây Bình Dương được nhập vào TP.HCM, nên dù mua nhà ở vùng ven nhưng vẫn xem như là cư dân Sài Gòn.

Với hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới như cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến giao thông như Vành đai 2, Vành 3 và Vành đai 4…, dự báo làn sóng ly tâm sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Thực tế, xu hướng “bỏ phố về quê” không phải mới, thậm chí ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group, doanh nghiệp triển khai khá nhiều dự án căn hộ bám trục giao thông Phạm Văn Đồng, thuộc phía Đông Bắc TP.HCM cho hay, xu hướng lựa chọn nhà ở đang có sự thay đổi lớn.

Nếu như trước đây, nhiều người chấp nhận sống trong những ngôi nhà chật chội nhưng ở gần trung tâm, thì hiện nay, họ chấp nhận đi xa hơn để tìm kiếm một nơi ở rộng rãi, không khí trong lành.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, không phải dự án, khu vực vùng ven nào cũng được chọn, mà chỉ diễn ra ở những nơi có hạ tầng kết nối tốt, được đầu tư bài bản, đảm bảo đầy đủ các dịch vụ, tiện ích.

Cơ hội giãn dân đô thị

Là một “siêu” đô thị, dân số cơ học tại TP. HCM hiện tăng lên mức 13 triệu dân. Theo phân tích của giới chuyên môn, khi cơ sở hạ tầng TP.HCM ngày càng trở nên quá tải, quỹ đất trung tâm ngày càng khan hiếm, việc giãn dân ra vùng ven và các địa phương lân cận là xu hướng tất yếu.

Đặc biệt, thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ kết nối từ trung tâm TP.HCM với nhiều khu vực vệ tinh, nên làn sóng “ly tâm” sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

Ông Dương Minh Tiến - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time cho hay, nếu như giai đoạn trước đây, “ly tâm” có thể được hiểu chỉ là câu chuyện thay đổi chỗ ở từ trung tâm TP.HCM ra vùng ven, thì thời gian tới sẽ trở thành một xu hướng nở rộ, vượt ra giới hạn vùng miền, đặc biệt sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, làn sóng giãn dân đô thị sẽ bùng nổ.

Theo ông Tiến, thực tế cho thấy, những nơi nào có hạ tầng kết nối tốt đều kích thích mạnh xu hướng ly tâm.

Người dân làm thủ tục mua bất động sản tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn.

Chẳng hạn, kể từ sau khi tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án bất động sản của các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã mọc lên. Không dừng lại ở đó, tuyến đường này còn làm cho hàng loạt dự án bất động sản tại Đồng Nai trở nên đắc địa hơn và hiện nay, không ít trường hợp người dân có nhà ở Long Thành, Nhơn Trạch, nhưng mỗi ngày làm việc tại TP.HCM.

Còn theo ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, các đô thị ở Việt Nam đang trên đà phát triển như các nước tiên tiến, một khi hạ tầng phát triển mạnh, nhu cầu an cư của người dân trong tương lai, thay vì ở trong những ngôi nhà chật hẹp khu vực trung tâm, họ sẽ chấp nhận đi xa hơn để được ở một ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát, không khí trong lành.

“Thực tế, không ít người làm việc ở TP.HCM nhưng do chưa đủ điều kiện mua nhà tại đây nên đã chọn những khu vực lân cận có giá thấp hơn như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… để sinh sống.

Bên cạnh đó, thị trường đang xuất hiện một bộ phận người dân dù đã có nhà ở TP.HCM nhưng vẫn muốn săn tìm quỹ đất xây nhà vườn ở các khu vực vùng ven để đi về cuối tuần. Đây là nhu cầu thực và ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với các khu vực sẽ sáp nhập vào TP.HCM sắp tới”, ông Quang cho hay.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM có nhiều chuyển biến. Khi hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở ven đô sẽ càng tăng cao hơn.

Với hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới như cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến giao thông như Vành đai 2, Vành 3 và Vành đai 4…, dự báo làn sóng ly tâm sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục