Dập dìu những tân binh
Hiện tại, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt).
Trong khi đó, thị trường chuẩn bị đón nhận những tên tuổi mới tham gia thị trường hàng không, bao gồm Tập đoàn Vingroup với việc thành lập Công ty Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tiếp thị và Du lịch Giao thông vận tải (Vietravel) có kế hoạch lập hãng hàng không Vietravel Airlines.
Mới đây, Vietravel đã phát đi thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành trái phiếu không chuyển đổi trị giá 700 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn hai năm với lãi suất không quá 11%/năm nhằm bổ sung nguồn vốn cho dự án thành lập Vietravel Airlines.
Tập đoàn Thiên Minh, sau khi thất bại trong việc bắt tay với Asia Airlines khai thác thị trường hàng không Việt Nam đã thành lập Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào ngày 13/6/2019. Điều này cho thấy tham vọng phát triển ở thị trường hàng không của ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh vẫn còn rất lớn.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030.
Tới năm 2023, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ đạt hơn 117 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt xấp xỉ 85 triệu khách. Để làm được điều này, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam cần 340 chiếc vào năm 2023.
Tính đến ngày 31/6/2019, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội tàu bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018 với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỷ lệ sở hữu đạt 27,4% (54 tàu bay sở hữu). Điều này cho thấy, dư địa để các hãng gia tăng tàu bay và khai thác phát triển vẫn còn.
Tăng trưởng chậm lại
Thị trường hành khách hàng không trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ đã chậm lại so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không nửa đầu năm 2019 đạt 9,4% so với cùng kỳ năm 2018 và sản lượng đạt 38,5 triệu khách. Trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này đạt 14%.
Thị phần hàng không 6 tháng đầu năm 2019.
Dù thị trường chung có dấu hiệu chậm lại nhưng các hãng Vietnam Airlines, Vietjet đều báo cáo kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận. Theo Vietnam Airlines, doanh thu hợp nhất toàn công ty trong nửa đầu năm ước đạt 51.662 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.650 tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch.
Báo cáo tài chính 6 tháng của CTCP Hàng không Vietjet (VJC) cho thấy, doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 26.031 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.398 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng này thực hiện 68.821 chuyến bay, tương đương 45% tổng số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không nội địa.
Vietjet đang mở rộng các đường bay quốc tế, trong khi mới đây Bamboo Airways thông tin sẽ mở đường bay thẳng đi Mỹ và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways tuyên bố “sẽ có lãi ngay từ năm đầu tiên với đường bay này”.
“Tăng trưởng nóng” là cụm từ nhiều hãng hàng không không muốn nhắc tới, nhưng dường như là một thực tế đang diễn ra tại thị trường Việt Nam, trong bối cảnh hạ tầng hàng không quá tải. Nỗi lo ngại về chậm, hủy chuyến thường xuyên ám ảnh khách hàng và cũng là bài toán mà doanh nghiệp ngành này cần giải quyết.
Báo cáo của Cục Hàng không cho thấy, nửa đầu năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 153.000 chuyến bay, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 130.000 chuyến, đạt tỷ lệ 84,8%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay hủy là 274 chuyến, chiếm tỷ lệ 0,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê, các nguyên nhân gây nên việc chuyến bay bị chậm vẫn tập trung ở ba nhóm chính là do tàu bay về muộn (chiếm 59,4% tổng số chuyến bay chậm); do hãng hàng không (chiếm 23,8% tổng số chuyến bay chậm) và do trang thiết bị tại cảng hàng không với 2.700 chuyến chậm, tỷ trọng 11,8%.
Nhận xét về tình trạng này, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho rằng, trong thời gian gần đây, thị trường hàng không Việt Nam có dấu hiệu phát triển “nóng”. Đây là tín hiệu đáng mừng hơn đáng lo, bởi nhu cầu đi lại đường hàng không ngày càng tăng khi kinh tế tăng trưởng tích cực, các lĩnh vực du lịch, xuất nhập khẩu, công nghiệp… phát triển.
Trong khi đó, thị trường vận tải hàng không quốc tế đang tiếp tục leo dốc, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp hội Vận tải hàng không Thế giới (IATA) đánh giá, đây là khu vực năng động với sự tăng trưởng cao nhất thế giới và thị trường vận tải hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực, bình quân đạt hơn 16%/năm trong thập kỷ qua.