Bùng nhùng điều hành xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp tuột cơ hội

Nhiều doanh nghiệp có hàng nằm chờ tại cảng từ cuối tháng 3/2020 đã mất cơ hội xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4/2020, do không đăng ký được tờ khai hải quan.
Bùng nhùng điều hành xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp tuột cơ hội

Doanh nghiệp tuột cơ hội xuất khẩu gạo

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án xuất khẩu 400.000 tấn gạo tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Trước đó, ngày 6/4/2020, bộ này kiến nghị Thủ tướng phương án xuất khẩu gạo có kiểm soát và vẫn đảm bảo sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5/2020 vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Việc Thủ tướng cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 đã phần nào giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan. Tuy nhiên, ngay sau khi phương án xuất khẩu 400.000 tấn gạo được Thủ tướng “chốt”, nhiều doanh nghiệp đã kêu bị tuột cơ hội xuất khẩu gạo.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã có công văn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương về việc Hải quan mở hệ thống khai hải quan điện tử không minh bạch.

Cụ thể, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, doanh nghiệp đã “túc trực trên máy tính” để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3/2020, nhưng hệ thống phần mềm Hải quan chỉ mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai từ 0 giờ đến 3 giờ sáng ngày 12/4, với lý do đã đủ hạn ngạch 400.000 tấn. Điều này khiến hàng trăm tấn gạo của Công ty vẫn nằm tại các cảng.

Ông Hoàng Đình Tú, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang cho biết, doanh nghiệp ông và một số doanh nghiệp khác đã không thể truy cập hệ thống làm tờ khai hải quan, trong khi lượng lớn gạo vẫn đang ùn ứ ngoài cảng.

Ông Phạm Thái Bình cho biết thêm, từ trước ngày 24/3/2020 đến nay, Công ty đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng (các doanh nghiệp khác cũng vậy). Hiện có hàng trăm ngàn tấn gạo nằm tại các cảng chờ thông quan.

“Cần cho thông quan tất cả các lô hàng đã lên cảng, đang khai dở dang, sau đó, khi đã xuất khẩu hết lượng gạo đó thì mới tiến hành cho khai tiếp tờ khai mới, như vậy mới đảm bảo không gây thiệt hại gì cho bất cứ doanh nghiệp nào”, ông Bình đề xuất.

Lo ngại trục lợi chính sách

Đánh giá cao quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại của Thủ tướng Chính phủ, nhưng GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, quyết định chỉ cho xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 vì sợ thiếu gạo trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp mới tháo gỡ được một phần cho doanh nghiệp.

Covid-19 khiến giá gạo trên thế giới tăng, nhiều nước đang lo thiếu gạo. Chính phủ Việt Nam cũng lo ngại an ninh lương thực, nên thận trọng xuất khẩu gạo.

“Chính phủ nên cho xuất trên 3 triệu tấn gạo, bởi theo tính toán kỹ lưỡng của chuyên gia, chúng tôi nghĩ rằng, là một cường quốc về xuất khẩu gạo, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được an ninh lương thực, đồng thời có dư để giúp các quốc gia thiếu gạo trên thế giới”, GS. Võ Tòng Xuân đề nghị.

Trước thực tế tồn đọng gạo ở cảng mà không đăng ký được tờ khai xuất khẩu, nhiều đơn vị, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị cho phép dùng hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 5 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi nếu không, các doanh nghiệp này phải trả chi phí lưu kho tại cảng nhiều ngày và bị phạt vì không thực hiện được hợp đồng.     

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến cuối tháng 3/2020, tổng lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao từ nay đến ngày 31/5 là gần 1,4 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của 60/92 doanh nghiệp hội viên VFA là 1,65 triệu tấn.

Ngoài ra, theo thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo hàng hóa của vụ đông - xuân có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn, còn nếu tính cả lượng gối đầu từ năm 2019 chuyển qua là khoảng 3,2 triệu tấn.

Thực tế, sau khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo trở lại với hạn ngạch tháng 4 là 400.000 tấn, theo Tổng cục Hải quan, chỉ có 40 doanh nghiệp đăng ký thành công tờ khai tại 13 chi cục hải quan, với tổng lượng gạo đăng ký xuất khẩu là 399.999,73 tấn.

Như vậy, ngoài 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai thành công, các doanh nghiệp khác phải ngậm ngùi chờ sang tháng 5, nhưng không dám chắc là liệu có đến lượt hay không, khi phương án xuất khẩu tháng 5 được chốt.

Trước nghi vấn công chức hải quan trục lợi trong hoạt động xuất khẩu gạo khi thời gian thông quan được mở vào 0 giờ ngày 12/4 và đã nhanh chóng được điền đầy hạn ngạch 400.000 tấn cho phép chỉ sau đó vài tiếng, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa lên tiếng khẳng định rằng, việc khai hải quan là tự động, không có sách nhiễu, phiền hà hay tạo ra xin - cho với doanh nghiệp từ phía ngành hải quan.

Người đứng đầu Tổng cục Hải quan cho báo chí biết, đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức có liên quan có lợi ích nhóm, trục lợi về chính sách xuất khẩu gạo trong thời gian qua.

Ông Cẩn cũng cho rằng, giải pháp là nên đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo và giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam làm đầu mối, sắp xếp, phân bổ lượng gạo.

Thế Hải
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục