Buffett “chê” kinh nghiệm quá khứ

(ĐTCK) Bản thân Buffett thừa nhận, quy mô quá lớn là một vấn đề, nhưng giá trị và lợi thế của Berkshire cũng ở quy mô lớn.
Warren E. Buffett. Warren E. Buffett.

Cuối tuần qua, khi một cổ đông của Berkshire Hathaway đặt câu hỏi với Buffett, có nên chia tách Công ty khi mà định chế này đã quá lớn, Buffett đã tuyên bố thẳng thừng, những kinh nghiệm trong quá khứ của công ty khác sẽ không đúng với Berkshire.

Câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp mặt cổ đông hôm thứ Bảy của Berkshire Hathaway. Một nhà đầu tư đã chất vấn Buffett dựa trên kinh nghiệm của một thiên tài đầu tư trong quá khứ: Henry E. Singleton.

Singleton có thể coi như Warren E. Buffett của những năm 60 và 70 thế kỷ trước, mặc dù mức độ nổi tiếng của ông này không bằng. Công ty đầu tư Teledyne của Singleton khi đó đã thành công đặc biệt và trở thành một định chế tài chính khổng lồ, bao gồm cả các hoạt động kinh doanh không liên quan đến đầu tư tài chính. Bản thân Buffett cũng thừa nhận rằng Singleton là người mà ông ngưỡng mộ từ lâu.

Nhưng sau hàng thập kỷ gây dựng nên một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới, Singleton đã quyết định chia tách “đứa con” của mình ra làm ba công ty nhỏ hơn vào những năm 1990, khi đó ông đã từ nhiệm vị trí CEO nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch của Teledyne. Ông cho rằng, quy mô của Teledyne đã quá lớn và rất khó có một lãnh đạo đơn lẻ nào có thể giám sát và phát triển Công ty hiệu quả.

Và câu chuyện của Teledyne ngày đó giờ đang được đặt ra với Berkshire Hathaway, công ty hiện có quy mô lớn thứ năm trên thế giới, xét về giá trị thị trường. Nhà đầu tư này hỏi thẳng Buffett: “Có khả năng tái cấu trúc Berkshire thành ba công ty riêng biệt, tương ứng với các dòng kinh doanh riêng hay không?”

Ngừng giây lát trước câu hỏi bất ngờ, nụ cười mỉm nhanh chóng chuyển thành cái cau mày, Buffett nói rằng, con đường Singleton chọn không phải con đường đúng cho Berkshire .

“Tôi tin chắc việc chia Berkshire ra thành nhiều đơn vị sẽ dẫn đến một kết quả kém hơn”, Buffett khẳng định.

Bổ sung thêm cho câu trả lời của Buffet, Phó chủ tịch Berkshire Charles Munger, người  từng có quan hệ cá nhân với Singleton khi ông này còn sống nói: “Tôi không nghĩ là anh nên giữ suy nghĩ rằng ông ấy đã làm tốt hơn chúng tôi chỉ vì ông ấy là một thiên tài”.

Bản thân Buffett cũng thẳng thừng thừa nhận rằng Berkshire không thể có thành tích tốt được như trong quá khứ và quy mô quá lớn đúng là một vấn đề. Nhưng “ông trùm” này cũng  tin rằng, giá trị và lợi thế của Berkshire nằm ở chính quy mô của Công ty, cụ thể là ở núi tiền mặt khổng lồ của Công ty. Buffett tin rằng, trong những thời điểm thị trường đi ngang hoặc giảm, Berkshire có thể vượt trội hơn những tổ chức khác chính là vì Công ty có đủ tiền để tận dụng các cơ hội mua bán.

“Nếu một ngày chỉ số Dow Jones giảm 1.000 điểm một ngày, khi sóng giảm trôi đi nó sẽ lộ ra những người trần truồng và những người đó sẽ tìm đến Berkshire”, ông nói. Điều Buffett ví von có thể đúng nếu nhìn lại những thương vụ của ông đối với những cái tên lớn như Goldman Sachs và General Electric. Nhưng có những ý kiến lại nói rằng hai tổ chức đó tìm đến tiền của Berkshire rất nhanh như vậy trong cuộc khủng hoảng không phải vì Buffett là nơi cầu cứu duy nhất, mà bởi vì ông có sự đồng thuận đối với kế hoạch của họ.

Dù sao đi nữa, không ai nghi ngờ về việc Buffett đã tạo cho Berkshire một văn hóa đặc biệt. Không phải vô cớ mà buổi họp mặt cổ đông hàng năm của ông được gọi là “Đại nhạc hội của chủ nghĩa tư bản”.

Buffett khẳng định rằng, bộ máy lãnh đạo của một loạt đơn vị thuộc Berkshire hầu như sẽ vẫn giữ nguyên vị trí sau khi ông từ nhiệm. Người ta không nghi ngờ về điều đó, thậm chí còn cho rằng, những người này hạnh phúc khi được làm việc cho nhà đầu tư vĩ đại. Nhưng việc thiếu đi một cấu phần đặc biệt là Buffett và điều đó sẽ là một thách thức đối với người kế nhiệm ông.

Khi được hỏi về việc ông kỳ vọng Berkshire sẽ được quản lý ra sao sau khi ông ra đi, Warren E. Buffett chia sẻ: “Tôi đoán rằng Công ty sẽ được sắp xếp lại một chút, nhưng sẽ không khác biệt mấy”. Nói về việc con trai của ông là Howard sẽ lên làm Chủ tịch nhưng không kiêm nhiệm vị trí điều hành Công ty sau khi Buffett từ nhiệm, ông cho biết, Howard “không hề ảo tưởng về việc sẽ điều hành doanh nghiệp và sẽ không được trả lương để điều hành doanh nghiệp”. Thay vào đó, Howard sẽ giữ vai trò để đảm bảo rằng Berkshire sẽ chọn được một CEO thích hợp và với vai trò đó, không ai có cảm giác về trọng trách lớn hơn con trai ông.        


Quang Minh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục