
Đối với tôm, theo số liệu Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tháng đầu năm 2025 tăng 28%, đạt kim ngạch 311 triệu USD.
Con tôm Việt Nam đã có mặt tại 107 thị trường và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đứng đầu trong thị trường xuất khẩu tôm vẫn là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc). Tổng xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 1 đạt 118 triệu USD, tăng 179% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tăng chủ yếu do nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc phục vụ cho Tết Nguyên đán. Trong đó, những mặt hàng tươi sống như tôm hùm được các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm cho phân khúc tiêu thụ cao cấp. Riêng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt tới 70 triệu USD, chiếm khoảng một nửa tổng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Đứng thứ 2 trong thị trường xuất khẩu tôm là Mỹ. Trong tháng 01/2025, xuất khẩu tôm giảm 13%, đạt 36 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ vẫn phải đối mặt với những rủi ro về các quyết định về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Hơn nữa, Tổng thống Donald Trump mới nhận chức, chưa thể đoán định được các chính sách thuế quan mới của ông đối với các nước.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep) lưu ý, trong thời gian chờ đợi này có thể các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ thúc đẩy mạnh giao thương. Do vậy, trong một vài tháng tới, xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng mạnh, nhưng không thể loại trừ những hệ lụy mà các doanh nghiệp cần tính tới là chi phí vận tải và logistic sẽ tăng do sự đổ dồn xuất khẩu sang Mỹ.
Đứng thứ ba trong thị trường xuất khẩu tôm Việt là EU. Tháng 1/2025, xuất khẩu tôm sang thị trường EU ghi nhận tích cực, tăng trưởng 15%, đạt hơn 34 triệu USD. Một số thị trường nhỏ hơn cũng ghi nhận tăng trưởng dương như Anh, Thụy Sỹ.
Vasep đánh giá, mặc dù tháng 1/2025 ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tôm ấn tượng nhưng ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu do dịch bệnh, thời tiết bất lợi và những bất định từ thị trường Mỹ. Xuất khẩu tôm trong tháng 2 có thể khó giữ đà tăng nếu vấn đề nguyên liệu chưa được giải quyết.
"Để hạn chế được những bị động từ thị trường Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường như mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, ASEAN…; tập trung vào phân khúc tôm chế biến cao cấp để tạo giá trị gia tăng và luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm", bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm Vasep.
Đối với cá tra, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2025 đạt hơn 133 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 24% tỷ trọng xuất khẩu cá tra ra thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 31 triệu USD, mặc dù tăng trưởng âm 40% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, CPTPP vượt Mỹ và trở thành khối thị trường đứng thứ hai về nhập khẩu cá tra Việt Nam, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang khối này chứng kiến giảm 17% so với tháng 1/2024, đạt 21 triệu USD. Xuất khẩu cá tra sang Mexico vẫn đạt mức cao nhất trong khối, với hơn 5 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ.
Mỹ là thị trường tiêu thụ nhiều cá tra thứ 3 của Việt Nam trong tháng đầu năm sau khi liên tiếp đứng ở vị trí thứ 2 sau Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) trong nhiều năm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng đầu năm 2025 đạt 18 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm và sự thay đổi thứ hạng tại thị trường Mỹ, Vasep cho biết có thể do yếu tố mùa vụ, tháng đầu năm thường là thời điểm sau giai đoạn nhu cầu tăng mạnh của cuối năm trước, hoạt động sản xuất và xuất khẩu có thể chậm lại.
Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường thế giới có sự thay đổi, cạnh tranh từ các nguồn cung khác; các rào cản kỹ thuật, thuế quan từ các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Mỹ đã có lượng tồn kho nhất định từ cuối năm 2024, cùng với sự cạnh tranh từ các sản phẩm cá thịt trắng khác tại thị trường Mỹ, đã ảnh hưởng tới sản xuất khẩu cá tra vào thị trường này.
Top 4 xuất khẩu cá tra là sang thị trường EU, đạt hơn 13 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Hà Lan vẫn là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối, với hơn 3,4 triệu USD, giảm 9% so với tháng 1/2024, xuất khẩu cá tra sang Đức ghi nhận mức tăng trưởng dương 57%, với giá trị đạt gần 3 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều thị trường khác lại giảm mạnh như Colombia giảm 38%, Tây Ban Nha giảm 33% và Anh giảm 30%.